Xung quanh việc xây dựng nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á: PHÁ QUY HOẠCH CỦA THỦ TƯỚNG, TIỀM ẨN NGUY CƠ VỠ DỰ ÁN VÌ KHÔNG HỎI Ý DÂN?
TBV - Xung quanh việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Tập đoàn phúc Sơn xây dựng nghĩa trang công viên Thiên An viên, nhóm phóng viên đã phát hiện ra nhiều “dấu hiệu” bất ổn của dự án: Quy hoạch chung do Thủ tướng đề ra bị phá vỡ; ý kiến của người dân, đặc biệt là người dân nằm trong và ven vùng dự án được triển khai chưa được ngó ngàng; và đặc biệt điều này tiềm ẩn các nguy cơ bất ổn về an ninh trật tự tại địa phương có thể khiến dự án bị “vỡ”…
Phá quy hoạch của Thủ tướng để chiều lòng doanh nghiệp?
Siêu nghĩa trang Thiên An Viên với hàng loạt bất cập
Theo đó,“siêu” nghĩa trang Thiên An Viên (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) với quy mô 118 hecta, vốn đầu tư hơn 1.492 tỷ. Dự án được triển khai trên địa bàn phường Khai Quang, xã Định Trung (TP.Vĩnh Yên) và một phần đất thuộc xã Kim Long (huyện Tam Dương).
Hoành tráng như vậy nhưng việc quy hoạch dự án này lại “đi ngược” lại so với các quy định của Nhà nước về xây dựng nghĩa trang. Thậm chí, nghiêm trọng hơn, nếu theo quy hoạch, dự án xây dựng “siêu” công viên nghĩa trang này còn “phá” vỡ quy hoạch chung về xây dựng đô thị tỉnh Vĩnh Phúc do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 26/10/2011.
Theo đó, tại Mục g, Điều 8 với nội dung “Định hướng xây dựng hạ tầng kỹ thuật đến năm 2030” có nêu rõ việc xây dựng nghĩa trang tại Vĩnh Phúc như sau: “Nhu cầu xây dựng đến năm 2030 là 200ha; Địa điểm xây dựng: Khu vực huyện Tam đảo 100 hecta; Khu vực huyện Bình Xuyên 100 hecta.
Ngày 20/9/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ra quyết định số: 2358/QĐ-UBND về việc “Phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Ở văn bản này, tại mục 9.5 “Thoát nước thải và vệ sinh môi trường” có nêu rõ: Địa điểm xây dựng công viên nghĩa trang tập trung được xác định cụ thể trong quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các huyện Bình Xuyên và Tam Đảo”.
Trong khi đó, tại Nghị định số 35/2008/NĐ-CPVề xây dựng, quản lý và sử dụng nghĩa trang có nêu rõ nguyên tắc về quy hoạch và sử dụng nghĩa trang tại khoản 1, Điều 3 như sau: “Tất cả các nghĩa trang đều phải được quy hoạch và xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Bùi Minh Hồng (Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Phúc) không ngừng lấy lý do ưu ái nhà đầu tư bởi xây dựng nghĩa trang công viên là nhóm dự án khó thu hút đầu tư nên phải ưu tiên, làm càng nhanh càng tốt. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên thì xây dựng công viên nghĩa trang đang được nhiều nhà đầu tư “săn” nhiệt tình bởi nó phục vụ nhu cầu bức bách của xã hội (nhất là sau khi Hà Nội đóng cửa một loạt các nghĩa trang như Văn Điển) và khi đền bù thì chỉ đền bù bạc lẻ, khi kinh doanh thì mỗi m2 đất cũng được bán ở mức trung bình 5 - 7 triệu đồng.
Ở một diễn biến khác, ông Nguyễn Công Võ (Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc) xác nhận với phóng viên là sở này chưa tham gia đóng góp ý kiến với UBND tỉnh hay đánh giá tác động môi trường với dự án xây dựng Thiên An Viên dù chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Dân bị quây bởi bãi rác và nghĩa trang.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Văn Cường, SN 1960, trú tại xóm Đậu, xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Qua dư luận, tôi cũng chỉ mới biết được là có dự án Thiên An Viên. Nếu dự án triển khai thì sẽ lấy vào phần đất mà gia đình chúng tôi đang canh tác. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản, giấy tờ nào nói về việc này.”
Ông Phạm Tiến Sỹ, Bí thư kiêm trưởng xóm Đậu nói: “Nếu dự án này đi vào thực tế thì có trên 70 hộ dân xóm tôi thuộc diện tích bị thu hồi đất, chính gia đình tôi cũng nằm trong diện này. Gia đình tôi có khoảng 10.000m2 ở cánh đồng Hoản, diện tích này được gia đình tôi trồng thanh long, mít, làm trang trại nuôi gà, vịt lợn. Đa số dân xóm Đậu đều làm nông nghiệp, mất đất thì không biết cuộc sống của chúng tôi sẽ ra sao?”
Ngoài nỗi lo về mất đất mưu sinh, người dân quanh vùng triển khai dự án còn phải đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường khi tứ bề nơi họ ở là điệp khúc: Nghĩa trang – bãi rác – siêu nghĩa trang. Trên thực tế, rất nhiều lần người dân trên địa bàn Vĩnh Yên nói chung và các phường Khai Quang, Định Trung (những xã, phường có diện tích nằm trong quy hoạch xây dựng Thiên An viên) nói riêng đã cầu cứu tới báo chí vì nỗi khổ ô nhiễm do bãi rác và… nghĩa trang trước đó. Trên báo điện tử của Thông Tấn xã Việt Nam - Vietnamplus.vn có bài: “Vĩnh phúc đứng trước nguy cơ ngập trong rác thải” có nêu rõ: “Thành phố Vĩnh Yên lấy một phần diện tích tại nam Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) để đổ rác. Bình quân mỗi ngày Vĩnh Yên có 200m3 rác thải sinh hoạt... nhưng chưa có bãi đổ theo đúng tiêu chuẩn quy định, khiến nhiều người dân lo ngại. Phía nam Khu công nghiệp Khai Quang không phải là nơi quy hoạch để đổ rác thải, mà chỉ là địa điểm thực hiện xử lý tình huống tạm thời”.
Trên báo điện tử Vietnamnet.vn có bài: “Cơ cực như sống cạnh nghĩa trang” kể lại nỗi khổ sống cạnh nghĩa trang của chính những người dân xã Định Trung (Vĩnh Yên) – một xã cũng có diện tích lớn nằm trong quy hoạch của Thiên An viên. Theo đó, trước khi dự án Thiên An viên chưa được triển khai, trên địa bàn xã Định Trung đã có 1 nghĩa trang cây số 4 tồn tại. Nghĩa trang này đã “hành” dân đến mức: “Khổ nhất vẫn là nguồn nước sinh hoạt. Do ở xa trung tâm nên 100% người dân khu vực này đều phải sử dụng nước giếng khoan. Khách các nơi đến chơi nhà pha nước mời họ không dám uống vì lợm. Ruộng nương cũng không sản xuất được vào mùa mưa vì rác thải, xác vòng hoa, nhà táng, xốp từ trên nghĩa trang tuồn xuống lấp kín cả cánh đồng Lọi” – bài viết dẫn lời một người dân xã Định Trung.
Nhiều bài học nhãn tiền.
Trong khi đó, từ góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Đình Lương, nguyên cán bộ Viện Quy hoạch Kiến trúc Thủ đô lại cho rằng: Việc quy hoạch các dự án, đặc biệt là các dự án thuộc nhóm có các yếu tố “nhạy cảm” về môi trường, dân sinh và sử dụng một diện tích lớn để thực hiện phải tuân thủ quy hoạch chung của vùng đã được chính phủ và UBND tỉnh phê duyệt. Nếu cứ “chạy” theo Nhà đầu tư, sẽ dẫn tới hậu quả bị “đổ vỡ” quy hoạch hàng loạt. Lúc đó, các hậu quả về kinh tế, xã hội, tài nguyên, môi trường sẽ rất lớn”.
Trao đổi với phóng viên, nhà sử học, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cũng đồng tình với quan điểm của ông Phạm Đình Lương. Ông Dương Trung Quốc đặc biệt nhấn mạnh yếu tố: “Xây dựng công viên nghĩa trang cần phù hợp và tôn trọng với quy hoạch chung và đảm bảo phù hợp với các yếu tố về cảnh quan, văn hóa”. Xin nhắc lại, nghĩa trang Thiên An viên nếu được xây dựng sẽ “phá” quy hoạch chung của Thủ tướng phê duyệt cho Vĩnh Phúc. Trong phê duyệt đó, nội dung công viên nghĩa trang được chỉ định rõ tại huyện Bình Xuyên và Tam Đảo chứ không phải một nơi cửa ngõ thuộc thành phố Vĩnh Yên như hiện tại.
Thành phố Hà Nội đã trải qua không ít lần “nếm trái đắng” vì quy hoạch nghĩa trang không phù hợp với điều kiện thực tế và hợp với ý dân. Năm 2009, Hà Nội đồng ý cho triển khai mở rộng và xây dựng 3 nghĩa trang công viên là: Mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ (huyện Ba Vì); xây dựng các nghĩa trang Thiên đường (xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn) và nghĩa trang Vĩnh Hằng – Khoang Diệu (Thạch Thất). Tuy nhiên, chỉ có dự án nghĩa trang Yên Kỳ được triển khai ngay còn hai dự án xây dựng mới đều bị vướng do các lý do bị chồng lên quy hoạch dự án khác từ trước đó và người dân phản đối. Trong đó, nghĩa trang Khoang Diệu phải xin ý kiến của Văn phòng chính phủ để điều chỉnh cho phù hợp. Đặc biệt, với trường hợp của nghĩa trang Thiên đường tại xã Bắc Sơn, người dân xã Bắc Sơn đã làm đủ cách để phản đối chủ trương này, trong đó có cả những cách tiêu cực. Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo ngừng việc xây dựng nghĩa trang tại xã Bắc Sơn không được chính quyền và nhân dân xã đồng thuận, vì tại xã này hiện đã có dự án xây dựng khu xử lý rác thải Nam Sơn giai đoạn 2.
Gần đây, trên báo chí xuất hiện nhiều bài viết phản ánh về “làng ung thư Thanh Tước” để nói về thực trạng người dân phải dùng nguồn nước bẩn, sống trong môi trường ô nhiễm dẫn tới hiện trạng bị ung thư hàng loạt. Nguyên nhân được người dân đưa ra là do chất thải được thải ra và ngấm qua nguồn nước ngầm từ hoạt động chôn cất của công viên nghĩa trang thiên đường Thanh Tước đóng trên địa bàn.
Trước đó, tháng 9/2014, tại Thạch Hà, Hà Tĩnh, do phản đối chủ trương xây dựng nghĩa trang công viên Vĩnh Hằng tại xã Bắc Sơn (Thạch Hà), nên một vị trưởng thôn đã kích động người dân dùng tới vũ lực để chống người thi hành công vụ. Hậu quả là vị trưởng thôn này cùng một nhóm người phải vướng vào vòng lao lý. Đây là một việc làm sai pháp luật. Tuy nhiên, từ góc nhìn dân vận thì việc người dân phản ứng thái quá phần nào xuất phát từ nguyên nhân chính quyền địa phương, chủ dự án đã cố tình “lờ” dân đi, không cho dân biết, dân bàn nên mới xảy ra cơ sự đáng tiếc.
Dự án thông hay không là ở dân.
Trả lời phóng viên, ông Tuấn Anh, Phó TGĐ Lạc Hồng viên (Hòa Bình) ngạc nhiên trước thông tin người dân vẫn “mù tịt” về dự án: Khi chúng tôi triển khai dự án Lạc Hồng viên tại Hòa Bình thì người dân địa phương và chính quyền sở tại là quan trọng nhất. Khi chúng tôi xin chủ trương trên UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh nói cứ làm việc với dân và chính quyền địa phương nơi dự án định triển khai đã. Vì vậy, chúng tôi phải tham gia vào việc họp xóm, họp thôn rồi đến chính quyền xã họp bàn, thống nhất và nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân. Đồng thời, chúng tôi cũng phải giải trình các phương án về đền bù, môi trường và tạo công ăn việc mà cho người dân địa phương. Sau khi thống nhất tại cơ sở, UBND xã mới chuyển lên huyện để UBND huyện thông qua. Lúc đó, tỉnh Hòa Bình mới an tâm giao chúng tôi lập dự án tiền khả thi. Lúc này, chúng tôi phải lập các phương án đánh giá về tác động môi trường rất chặt. Sau đó, các cơ quan chức năng của tỉnh cùng tham gia đóng góp ý kiến. Đặt lên, đặt xuống chúng tôi mới có được giấy chứng nhận đầu tư. Sau đó, mới là quy hoạch 1/500. Nhìn chung, dân tại xóm, thôn, xã nơi có dự án triển khai mà không thông thì chúng tôi có được tỉnh ủng hộ cũng vô ích.
“Người dân có quyền tham gia vào các quyết định, chủ trương lớn của chính quyền nếu quyết định, chủ trương đó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi của người dân theo điều 1 của Luật Khiếu nại tố cáo. Vụ việc chặt bỏ cây xanh tại Hà Nội là một ví dụ. Đối với dự án xây dựng công viên nghĩa trang Lạc Hồng viên, nếu thấy dự án trên đi ngược lại với chủ trương quy hoạch chung đã được phê duyệt; dự án lại ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, môi trường sống của người dân thì người dân trong khu vực bị giải tỏa và sống quanh đó hoàn toàn có quyền khiếu nại để thay đổi quyết định, chủ trương của chính quyền. Tất cả đều phải thượng tôn pháp luật”, ông Chu Mạnh Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Danh Chính bày tỏ quan điểm.
Box : Tranh cãi về danh hiệu nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á
Ngay từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cụm từ “nghĩa trang lớn nhất Đông Nam Á” đã được báo chí và người “trong cuộc” để chỉ nói về Thiên An viên. Tuy nhiên, ông Tuấn Anh, Phó Tổng GĐ Công ty Cổ phần xây dựng và thương mại Toàn Cầu – đơn vị chủ đầu tư dự án công viên nghĩa trang Lạc Hồng viên (Hòa Bình) lại không đồng ý với quan điểm này. “Đừng nói là lớn nhất Đông Nam Á vì nghĩa trang đó chưa chắc đã lớn nhất Việt Nam. Đơn cử như nghĩa trang Lạc Hồng viên của chúng tôi, trong chứng nhận đầu tư, số vốn đầu tư giai đoạn 1 đã là 1700 tỷ đồng. Năm ngoái, chúng tôi được phê duyệt mở rộng, diện tích lên tới hơn 160 hecsta. Như vậy, cả về quy mô vốn và diện tích thì dự án của chúng tôi đều lớn hơn!”
Trong khi đó, khi truy cập vào trang web của nghĩa trang Thiên đức Vĩnh hằng viên, phóng viên cũng ghi nhận được dòng tự giới thiệu: “Là nghĩa trang hiện đại và quy mô bậc nhất Đông Nam Á”. Chủ đầu tư dự án này xác nhận là tổng số vốn đầu tư là 700 tỷ đồng.
Tại một công viên nghĩa trang khác tại Hà Nôi, chủ dự án lại giới thiệu quy mô dự án lên tới 300 héc ta, số vốn đầu tư không dưới 7000 tỷ.
|
Nhóm PVĐT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét