Chủ Nhật, 12 tháng 4, 2015

Đề nghị khởi tố vụ chặt cây xanh ở Hà nội.

Đề nghị khởi tố vụ chặt cây xanh ở Hà Nội
Báo Pháp luật.
HOÀNG VÂN - TRỌNG PHÚ - Thứ Ba, ngày 24/3/2015 

(PL)- Nhiều cây 80-100 tuổi đã bị cấp tập đốn hạ gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng.

TIN LIÊN QUAN
 Vụ Hà Nội chặt hàng loạt cây xanh: Số gỗ' khủng' đang nằm ở đâu?
 'Có hàng cây tuổi thọ 80 năm cũng bị chặt, buồn lắm'
 Vụ Hà Nội chặt cây xanh: Tạm đình chỉ công tác hàng loạt cán bộ
 Lấy ý kiến chặt cây xanh cũng gây phản cảm
 Đường phố Hà Nội trước và sau chặt hạ cây xanh 

“Vấn đề đặt ra là phải truy cứu trách nhiệm của những người đề xuất chủ trương này chứ không chỉ dừng lại ở việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Ngoài ra, việc thanh tra không để Hà Nội làm mà phải do Thủ tướng chỉ đạo”. GS Nguyễn Lân Dũng, Chủ tịch Hội Các ngành sinh học Việt Nam, thẳng thắn nêu ý kiến như thế tại tọa đàm phản biện đề án chặt cây xanh của Hà Nội do Trung tâm Con người và Thiên nhiên cùng Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng tổ chức chiều 23-3.

Trách nhiệm không chỉ “đẩy” về cấp sở

Nhiều người cho rằng số cây bị chặt không phải 500 cây như UBND TP Hà Nội công bố mà thực tế lớn hơn nhiều. Theo ông Phạm Đức Bảo (ĐH Luật Hà Nội), việc chặt hạ cây xanh đã vi phạm Luật Thủ đô. “Việc chặt cây xanh mang tính triệt hạ, làm cấp tập còn nhanh hơn mì ăn liền. Hậu quả gây ra cực kỳ lớn, không biết bao giờ mới khắc phục được. Đề án được Sở Xây dựng làm sơ sài nhưng vẫn được chủ tịch UBND TP Hà Nội ủy quyền cho cấp phó ký. Hàng loạt sai phạm từ lập dự án đến triển khai đã rất rõ nên lãnh đạo TP Hà Nội không thể chối bỏ trách nhiệm, chỉ kỷ luật cán bộ ở Sở Xây dựng” - ông Bảo gay gắt.

Ông Bảo cũng cho rằng việc chặt cây ở Hà Nội đã vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. Cần xem xét nếu có yếu tố cấu thành tội phạm thì khởi tố vụ án hình sự về tội cố ý làm trái, tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cần rút kinh nghiệm trong phát ngôn

Việc phát ngôn của Hà Nội cũng được các chuyên gia mổ xẻ. “Hà Nội phải rút kinh nghiệm trên mọi phương diện cả về chủ trương, cách thức thực hiện và cách phát ngôn. Những người có trách nhiệm lúc đầu nói rằng: “Không có chiến dịch chặt cây”, “Không cần phải hỏi dân. Chặt cái cây mà cũng phải đi hỏi dân à!” - ông Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội Khoa học an toàn và vệ sinh lao động, điểm lại.


Gỗ của hàng xà cừ trên phố Nguyễn Trãi còn tươi mới, đỏ au, ứa nhựa. Ảnh: T.PHÚ


Ông Lương nói thêm: “Vị phó chủ tịch Hà Nội trả lời báo chí vẫn bảo chủ trương hoàn toàn đúng. Tôi xin nói, ý tưởng thì đúng nhưng chủ trương chưa toàn diện và còn nhiều sai sót. Như ở khu vực Trung Hòa có nhiều đường mới không trồng cây sao đề án cải tạo, thay thế cây xanh không hề nhắc đến?”.

Theo ông Lương, xã hội hóa là chủ trương đúng. Nhưng việc này đã bị lợi dụng, để rồi đổ lỗi do nhà tài trợ vội vã. Vì thế, có lãnh đạo ngân hàng đã nói rằng bỗng dưng họ bị biến thành lâm tặc. “Tôi cho đây là một bài học mà UBND TP Hà Nội phải rút kinh nghiệm. Bởi việc này chạm vào lòng tự trọng, lòng yêu mến thủ đô, đất nước và ý thức trách nhiệm của người dân” - ông Lương nói.

Số gỗ “khủng” đang ở đâu?

Để trả lời câu hỏi: “Số gỗ của hàng trăm cây xanh (chủ yếu là xà cừ) bị đốn hạ thời gian qua đi về đâu?”, chiều 23-3, Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội đã tổ chức cho hơn 100 phóng viên tới kho lưu chứa gỗ của đơn vị này tại Vườn ươm Cầu Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Tại đây, hàng trăm khối gỗ được lưu giữ trong hai kho chứa. Kho số 1 có hàng trăm thân cây lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, trong đó có những thân cây phải 2-3 người ôm. Đa phần số gỗ này đưa về từ đợt chặt hạ hàng xà cừ trên đường Nguyễn Trãi. Thịt gỗ đỏ au, tươi mới, nhiều thân gỗ nhựa vẫn chảy. Kho số 2 gồm những đống gỗ được gom từ việc chỉnh sửa, chặt hạ cây ở nhiều tuyến phố trong năm 2014. Số gỗ này đa phần cũ, rỗng ruột.

“Thân, cành cây đường kính dưới 20 cm thì làm củi, đường kính trên 20 cm thì lưu giữ làm gỗ. Từ trước đến nay không hề có chuyện thất thoát gỗ vì từ lúc chặt về đến lúc bán đấu giá đều có quy trình lưu trữ, giám sát chặt chẽ” - ông Đỗ Ngọc Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty Cây xanh Hà Nội, khẳng định.

Theo ông Hoàng, toàn bộ số gỗ trong hai kho trên đều thu hồi từ việc chặt hạ cây xanh ở các tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh… Toàn bộ số gỗ này đang chờ các thủ tục để bán đấu giá.

Về việc báo chí ghi lại hình ảnh một xe tải chở gỗ xà cừ vào làng Chuông (xã Phương Chung, Thanh Oai, Hà Tây) nghi là gỗ tuồn từ việc chặt hạ cây trong nội đô, ông Hoàng khẳng định: “Số gỗ, xe chở gỗ trên không phải của công ty chúng tôi. Tôi tin cơ quan công an sẽ điều tra, xác minh rõ thông tin trên vì ảnh chụp rõ cả biển số xe”.

--------------------------------------------

Chi phí chặt một cây đường kính 1,2m trở lên khoảng 35 triệu đồng 

Về giá thành chặt hạ cây, ông Hoàng cho biết: Giá thành chặt hạ cao nhất là khoảng 25 triệu đồng đối với cây xà cừ có đường kính lớn hơn 1,2 m và khoảng 15-23 triệu đồng đối với cây xà cừ có đường kính từ 0,8 m đến 1,2 m. Chi phí đào gốc, lấp đất vào khoảng 10 triệu đồng/cây có đường kính trên 1,2 m. Trong khi đó, một nhân viên cây xanh ở TP.HCM cho hay toàn bộ chi phí chặt cây có đường kính từ 70 cm trở lên chỉ vào khoảng 9,2 triệu đồng.

_____________________________________

Theo báo cáo của Công ty Cây xanh Hà Nội, từ tháng 12-2014 đến nay, đơn vị này đã chặt 520 cây tại ba tuyến phố Nguyễn Trãi, Phố Huế - Hàng Bài và Nguyễn Chí Thanh, thu được hơn 186 m3 gỗ xà cừ, gần 32 m3 gỗ khác và 23 m3 củi.

_____________________________________

So với thủ đô nhiều nước thì thủ đô của ta rất đẹp vì có nhiều hồ, cây xanh. Nhưng 6.700 cây bị thay thế có nghĩa là 1/7 số cây ở Hà Nội bị thay thế. Thử tưởng tượng đầu tôi có 1/7 số tóc bị rụng đi thì thành hói đầu và làm thay đổi bộ mặt của mình. Việc Hà Nội không thèm quan tâm đến ý kiến các nhà khoa học, ý kiến người dân là rất khó hiểu!

GS NGUYỄN LÂN DŨNG

Người ta chặt dải cây cổ thụ trên đường Nguyễn Trãi để phục vụ cho đường sắt. Tôi có tham gia Hội đồng Thẩm định báo cáo ĐTM dự án đường sắt trên cao nhưng không thấy có báo cáo nào đề cập việc chặt cây. Nhưng trong lúc thi công thì lại có đề xuất chặt hàng loạt cây ở đây.

 Ông PHẠM NGỌC ĐĂNG, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam

Phải kiểm điểm trách nhiệm từ giám đốc, phó giám đốc, cán bộ của các sở, ngành liên quan. Ngay khi có kết quả thanh tra, xử lý trách nhiệm thì phải cung cấp thông tin đầy đủ cho báo chí, cho nhân dân. Ngoài ra, Ban cán sự Đảng UBND TP Hà Nội phải chỉ đạo Sở Xây dựng trả lời 21 câu hỏi được nêu ra trong cuộc họp báo tại UBND TP Hà Nội chiều 20-3 vừa qua, để gửi từng cơ quan báo chí.

Bí thư Thành ủy Hà Nội PHẠM QUANG NGHỊ nói tại cuộc họp của Thường trực Thành ủy Hà Nội chiều 23-3

HOÀNG VÂN - TRỌNG PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét