Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Học viện nông nghiệp - đi học nước ngoài rồi bỏ trốn !

Học viện Nông Nghiệp: Giảng viên được cử đi học nước ngoài không chịu về nước

Thanh tra Chính phủ phát hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam có 340 lượt giảng viên không thực hiện đúng thời khóa biểu đã xây dựng và không lên lớp; có giảng viên được cử đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài quá thời hạn không về nước.

Thanh tra Chính phủ cho biết hôm qua (16/4) đã gửi thông báo công khai kết luận thanh tra trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị định 43/2006 của Chính phủ tới Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam).

Cơ quan thanh tra phát hiện số cán bộ được quy hoạch vào chức danh lãnh đạo nhà trường là 18 người nhưng trong đó 2/4 trường hợp được quy hoạch vào chức danh Hiệu trưởng giai đoạn 2015-2020 vượt về độ tuổi, 11/14 trường hợp thiếu tiêu chuẩn về lý luận chính trị theo Hướng dẫn số 65/2012 của Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo kết luận thanh tra, có tới 340 lượt giảng viên trong trường không thực hiện đúng thời khóa biểu đã xây dựng và không lên lớp. Ngoài tình trạng vi phạm thời gian làm việc (đi muộn về sớm, bỏ giờ làm, giảng viên bỏ giờ lên lớp, giảng thiếu tiết, thiếu giờ quy định), có viên chức của trường vi phạm về phẩm chất đạo đức, vi phạm nghiêm trọng về quy chế đào tạo tới mức phải xử lý kỷ luật; có giảng viên cử đi nghiên cứu học tập ở nước ngoài quá thời hạn không về nước.

Trong công tác đào tạo hệ sau ĐH, tại kỳ thi tuyển sinh đợt 2 năm 2012 để xảy ra sự cố thất lạc bài thi của thí sinh (để thí sinh mang bài thi về nhà). Nhà trường đã cho phép thí sinh thi lại, theo Thanh tra Chính phủ, vi phạm Quy chế tuyển sinh trình độ thạc sĩ và Quy chế tuyển sinh ĐH – CĐ hệ chính quy.

“Công tác quản lý học viên còn để tình trạng có học viên nhờ người học hộ”- thông báo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Ngoài ra công tác đào tạo còn để xảy ra vụ việc tiêu cực: chấm nâng điểm thi môn Tiếng Anh khóa 18. Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) – Bộ Công an, đã điều tra, làm rõ và Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng đã những hình thức kỷ luật đối với cá nhân có vi phạm.

Về tuyển sinh, đào tạo ĐH-CĐ chính quy, liên thông CĐ lên ĐH, trường này đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu được giao: Năm 2011 vượt 1.274 chỉ tiêu, năm 2012 vượt 344 chỉ tiêu, năm 2013 vượt 700 chỉ tiêu. Trong khi đó, năm 2012, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phải dừng tuyển sinh 3 chuyên ngành do không đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu và số lượng học viên.

Trong đào tạo vừa làm vừa học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã mở lớp tại một số địa điểm không đúng quy định tại Quyết định số 42/2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, Trường đào tạo nghề Hải Phòng, Trung tâm đào tạo bồi dưỡng tại chức tỉnh Nam Định, Trường trung cấp nghề Công nghệ Hà Nam, Trường cao đẳng nghề Tam Điệp, Trường trung cấp nghề Việt Nhật, Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Phúc Thọ.

Từ năm 2003 tới nay nhà trường ký hợp đồng hợp tác liên kết và giao khoán hàng năm, thực chất là hợp đồng cho thuê đất, cho thuê nhà lâu dài để sản xuất kinh doanh, dịch vụ với 11 công ty, xí nghiệp và 175 cá nhân.

“Có hợp đồng liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học chỉ mang tính hình thức; một số đơn vị, cá nhân sau khi ký hợp đồng đã tự ý san lấp ao, hồ để xây dựng văn phòng làm việc, kho, xưởng nhưng không làm thủ tục xin cấp phép xây dựng, sử dụng không đúng mục đích đất được giao cho trường quản lý”- kết luận chỉ rõ.

Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với tập thể Ban giám hiệu; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân đối với Hiệu trưởng, các Phó hiệu trưởng giai đoạn 2011-2013 liên quan đến các sai phạm nêu trên.

THEO DÂN TRÍ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét