Đề nghị Công an Hà Nội vào cuộc vụ “vết cắt lạ” trên cây xà cừ
10:52 ngày 16/04/2015
Dân trí Trước tình trạng hàng loạt cây xà cừ trên nhiều tuyến phố bị xâm hại, cạo, đẽo vỏ, Công ty Cây xanh Hà Nội đã đề nghị Công an Hà Nội cùng các đơn vị thành phố Hà Nội vào cuộc điều tra, truy tìm người xâm hại cây xanh. Hà Nội: Những vết cắt lạ trên hàng xà cừ đường Lê Duẩn
Như Dân trí đã đưa tin, những ngày qua, dư luận hết sức bất bình trước việc một số cây xà cừ cổ thụ trên đường Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng) bị chém vào thân, cạo, đẽo vỏ, nhìn rất mất mỹ quan đô thị.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Công viên Cây xanh Hà Nội (Công ty Cây xanh Hà Nội) - đơn vị này đã chủ động phối hợp với UBND phường Lê Đại Hành ra soát, lập biên bản hiện trạng từng cây xanh bị xâm hại trên đường Lê Duẩn. Cụ thể, dọc tuyến đường Lê Duẩn, đoạn giáp tường rào Công viên Thống Nhất, có 9 cây xà cừ bị đẽo, cạo vỏ gốc cây với kích thước khoảng 20x30 cm.
Các đơn vị thành viên của Công ty Cây xanh Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, ra soát thực trạng các cây xanh do đơn vị mình quản lý. Qua đó, Công ty Cây xanh Hà Nội phát hiện, không chỉ 9 cây xà cừ trên đường Lê Duẩn bị xâm hại, nhiều cây xà cừ cổ thụ trên một số tuyến đường khác cũng bị tình trạng tương tự.
Theo thống kê của Công ty Cây xanh Hà Nội đến hết ngày 15/4, Công ty phát hiện 35 cây xà cừ bị cạo, đẽo vỏ. Các “vết thương” của cây xà cừ hầu hết có kích thước khoảng 20x30 cm. Cụ thể, tuyến đường Lê Duẩn 9 cây xà cừ bị xâm hại; tại dải phân cách đường Láng, đoạn đối diện số nhà 1150 đến số nhà 1154, có 5 cây; tại dải phân cách phố Kim Mã có 18 cây; đường Phạm Văn Đồng có 3 cây.
Theo ông Nguyễn Xuân Hưng, các vết đẽo có những vết ăn vào đến phần gỗ của cây, làm ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây. “Công ty Cây xanh Hà Nội đang tiếp tục theo dõi ảnh hưởng của sự xâm hại này đến sự sinh trưởng của cây. Công ty cũng tăng cường công tác kiểm tra và vận động người dân trên các địa bàn phối với Công ty để bảo vệ cây, chống các hành vi xâm hại cây xanh. Mọi người phát hiện hành vi xâm hại cây xanh có thể gọi về đường dây nóng tiếp nhận thông tin của công ty: 043.9764540.” - ông Hưng cho hay.
Đặc biệt, để ngăn chặn kịp thời hiện tượng xâm hại cây xanh, không để tình trạng này tái diễn, Công ty Cây xanh Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Công an Hà Nội vào cuộc điều tra, phát hiện người xâm hại để xử lý theo quy định hiện hành.
Công ty cũng đề nghị UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội và UBND các quận trên địa bàn thủ đô chỉ đạo các cơ qua chức năng tích cực hỗ trợ Công ty trong việc phát hiện người xâm hại cây để đảm bảo an ninh cũng như giữ gìn cảnh quan môi trường.
Nếu bị đẽo hết lớp vỏ bên ngoài, cây dễ chết?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Giáo sư Trần Văn Mão (76 tuổi) - nguyên Chủ nhiệm khoa Quản lý Bảo vệ Tài nguyên rừng và Môi trường (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam), hiện nay là Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Nông lâm Thực phẩm - ĐH Thành Tây và Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển Lâm nghiệp, người đã có hơn 50 năm nghiên cứu về các loại bệnh cây cho rằng, nếu cây nào bị đẽo hết lớp vỏ bên ngoài, làm lộ lớp gỗ bên trong rất dễ bị chết.
Sở dĩ như vậy bởi theo cấu trúc của cây, giữa lớp vỏ bên ngoài và lớp gỗ bên trong có một lớp dùng để dẫn nước và các chất dinh dưỡng từ bộ rễ theo thân cây đưa lên lá, sau đó lá mới có thể quang hợp được rồi mới chuyển chất lại nuôi thân cây. Như vậy, nếu mất hết lớp vỏ xung quanh cây, cây sẽ bị chặt đứt đường vận chuyển chất dinh dưỡng đó.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Mão, những cây xanh cổ thụ của Hà Nội nói trên, nếu chỉ bị những “vết cắt lạ” rộng chừng 20-30cm, nhưng không bị xung quanh khép kín toàn thân cây thì chưa đe dọa đến “tính mạng” của cây ngay. Nhưng cứ để như vậy mà không chữa trị, nước và nấm mốc từ bên ngoài sẽ xâm nhập vào bên trong của thân cây, có thể làm cho cây bị mục ruỗng.
Nguyễn Dương
Khánh Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét