(TNO) Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay 10.4, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không đồng tình với một loạt các “chỉ tiêu” được đưa ra tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý không đồng tình với một số "chỉ tiêu"
về chống oan sai - Ảnh: Trường Sơn |
Theo dự thảo Nghị quyết, để tạo bước chuyển biến căn bản, triệt để khắc phục các trường hợp làm oan người vô tội, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp sai phạm khác trong việc áp dụng pháp luật..., Quốc hội giao Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND TC), Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (KSND TC) và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp. Theo đó, các chỉ tiêu được đưa ra trong Nghị quyết để thực hiện các giải pháp nhiệm vụ đặt ra là giảm ít nhất 10%/năm số vụ tạm đình chỉ điều tra để chống bỏ lọt tội phạm; giảm ít nhất 1%/năm các trường hợp bắt, tạm giữ hình sự sau đó chuyển xử lý hành chính; giảm ít nhất 10%/năm các trường hợp chết do tự sát và không để xảy ra trường hợp bị đánh chết tại các nơi giam giữ...
Trước các “chỉ tiêu” này, ông Phan Trung Lý cho rằng, phải yêu cầu thực hiện đúng, thực hiện đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật, nhất là về tố tụng. “Không thể nói cho phép ít nhất 5%, 10% hay bao nhiêu được. Một mạng người chết là vấn đề quan trọng, tại sao lại cho phép ít nhất...?”, ông Phan Trung Lý phản biện.
Ngoài việc không đồng tình với hầu hết các chỉ tiêu kể trên của dự thảo, ông Lý cũng tỏ ra ngạc nhiên về chỉ tiêu giảm ít nhất 10% các trường hợp chết do tự sát và không để xảy ra trường hợp bị đánh chết. “Không xảy ra trường hợp bị đánh chết là được rồi, nhưng tại sao Quốc hội ra nghị quyết giảm 10%? Một con người chết đã thành vấn đề, đừng nói ít nhất 10% hay bao nhiêu %. Tôi thấy rất vô lý”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho biết “rất bất ngờ” về những chỉ tiêu này.
3 năm có 71 người bị oan
Theo báo cáo giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” trong kỳ giám sát, trong thời gian từ 1.10.2011 - 30.9.2014, đã khởi tố, điều tra 219.506 vụ với 338.379 bị can, trong đó số vụ làm oan người vô tội có 71 trường hợp, chiếm 0,02%. Cơ quan điều tra đã đình chỉ 31 bị can do không có sự việc phạm tội, 12 bị can do hết thời hạn điều tra không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm; Viện Kiểm sát đình chỉ 9 bị can do không có sự việc phạm tội, 19 trường hợp bị Tòa án tuyên không phạm tội và bản án đã có hiệu lực pháp luật.Báo cáo giám sát nhận định: Tuy số trường hợp oan, sai không nhiều nhưng hậu quả gây ra là hệ trọng, có vụ đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, như vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam oan; vụ 5 Công an ở Tuy Hòa, Phú Yên dùng nhục hình dẫn đến chết người... |
Trường Sơn