Cây đại cổ thụ đang sống khoẻ khai thành chết để “tận thu gỗ mục“!
Trước cảnh cành lá xanh tươi như thế này không thể nói cây gỗ chua khét đã bị chết mục. Ảnh: Anh Tuấn
Tại tiểu khu 627 thuộc rừng đầu nguồn sông Chàng còn sót lại một cây gỗ chua khét cổ thụ với trữ lượng khoảng trên 20m khối đang sống, cành lá tươi tốt. Vậy nhưng, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ sông Chàng (BQLRPH) - vẫn hạ bút ký vào tờ trình khẳng định cây gỗ này đã chết và đề nghị Sở NNPTNT Thanh Hóa cho phép đốn hạ để… tận dụng tránh lãnh phí gỗ bục mục nát.
Báo cáo không trung thực
Được biết, vào ngày 16.3, ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc BQLRPH sông Chàng - ký tờ trình số 63/TT-BQLRPHSC gửi Sở NNPTNT Thanh Hóa đề nghị phê duyệt hồ sơ thiết kế tận thu, tận dụng khai thác gỗ. Nội dung tờ trình khẳng định: “Tại tọa độ X:534728; Y: 2162754 thuộc lô d, khoảng VI, tiểu khu 627 có một cây gỗ chua khét nhóm ba đã bị chết, hầu hết rễ cây đã bị mục mại… Trước tình hình đó, để tận dụng tài nguyên rừng, chống mục mại, xuống cấp, đơn vị phối hợp cùng Hạt kiểm lâm huyện Như Xuân kiểm tra và xây dựng hồ sơ thuyết minh thiết kế khai thác để tận dụng cây gỗ trên”.
Căn cứ hồ sơ của BQLRPH sông Chàng lập, ngày 25.3, ông Lê Văn Đốc - PGĐ Sở NNPTNT Thanh Hóa ký quyết định số 148/QĐ-SNNPTNT phê duyệt cấp phép cho chặt cây gỗ này. Trữ lượng cây đứng là 14,92m khối. Có quyết định trong tay, ngày 1.4, BQLRPH sông Chàng tiến hành thuê thợ vào đào gốc, cắt rễ đốn hạ cây gỗ chua khét.
Thế nhưng, tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động tại hiện trường vào chiều 6.4 cho thấy các thợ gỗ đang gấp rút cắt cây chua khét cổ thụ thành nhiều khúc lớn với chiều dài mỗi khúc khoảng 4-5m.
Clip đốn hạ cây gỗ chua khét cổ thụ:
Riêng phần thân lớn nhất tính từ gốc trở lên có chiều dài khoảng 10m đang để nguyên trạng.
Theo một thợ xẻ cho biết thì, súc gỗ lớn này sẽ được chia thành hai đoạn và xẻ ra nhiều bộ ngựa, có những bộ nguyên tấm rộng trên 1,6m. Cũng tại hiện trường, toàn bộ cành lá tươi xanh của cây gỗ này nằm ngổn ngang và đang khô dần do thời tiết mấy ngày trước đó nắng nóng.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Những người thợ đang cắt cây gỗ chua khét tại tiểu khu 627 ước lượng riêng đoạn lớn nhất tính từ gốc trở lên với chiều dài khoảng 10m đã có trữ lượng khoảng 20m khối. Đoạn này có thể xẻ thành nhiều bộ ngựa.
Những súc gỗ còn lại cũng phải lên tới nhiều mét khối. Song trong tờ trình của BQLRPH sông Chàng cũng như quyết định phê duyệt của Sở NNPTNT Thanh Hóa lại xác định tổng khối lượng chỉ có 14,92m khối? Trong đó, chỉ có 8,20m khối gỗ lớn còn lại là ngọn, cành, củi.
Tại hiện trường, phóng viên Báo Lao Động không thấy có lực lượng chức năng như kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp giám sát nhằm đảm bảo nguồn gỗ cắt ra không bị thất thoát!
Ông Nguyễn Văn Bình - GĐ BQLRPH sông Chàng - cho biết: “Cây gỗ chua khét nói trên không còn khả năng sinh trưởng. Cây gỗ này mọc trên sườn dốc, có xu thế nghiêng và nằm cách trục đường lâm nghiệp, đường tuần tra, kiểm tra rừng khoảng 50m.
Vậy nên cây có thể bị đổ gãy bất cứ lúc nào, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm đến tính mạng của lực lượng bảo vệ rừng và người lao động có nhiệm vụ thường xuyên qua lại”.
Song thực tế, bằng hình ảnh, cùng clip quay lại cây gỗ cổ thụ này trước khi bị đốn hạ mà chúng tôi có trong tay có thể khẳng định đây là cây gỗ lớn hoàn toàn đang sinh trưởng khỏe mạnh, cành lá xanh tốt mơn mởn. Cây gỗ đứng thẳng hiên ngang chứ không phải có xu hướng nghiêng, đổ như tờ trình mà BQLRPH sông Chàng lập.
Việc cây gỗ chua khét lớn đang sống bị chặt hạ cho thấy ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc BQLRPH sông Chàng đã lập tờ trình không trung thực. Từ tờ trình này, các đơn vị liên quan như kiểm lâm, Chi cục lâm nghiệp cũng chưa làm tròn vai trò, trách nhiệm của mình trong việc khảo sát, đánh giá đúng thực tế tình trạng của cây gỗ dẫn tới việc Sở NNPTNT Thanh Hóa “vô tình” tiếp tay cho việc làm sai trái của BQLRPH sông Chàng.
Trách nhiệm chính của việc gian dối khai tử gỗ sống thành gỗ chết thuộc về BQLRPH sông Chàng. Song nếu các ngành liên quan cũng như Sở NNPTNT Thanh Hóa kiểm tra kỹ càng trước khi ban hành quyết định thì số phận cây gỗ cổ thụ sẽ chưa bị khai tử!
Chùm ảnh khai tử cây cổ thụ đang sống khoẻ:
Trước cảnh cành lá xanh tươi như thế này, không thể nói cây gỗ chua khét đã bị chết mục. Ảnh: Anh Tuấn |
Những người thợ cắt gỗ đang vần khối gỗ lớn ở phần ngọn xuống đường vận chuyển. Ảnh: Anh Tuấn |
Vụ việc khai tử cây chua khét cần được làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm. Ảnh: Anh Tuấn |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét