Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Chặt hạ - Thay thế & hạ bệ

Chặt hạ - Thay thế & Hạ bệ

Cập nhật: 31/03/2015 06:24

(Thanh tra)- Giá mà người ta hạ bệ, thay chỗ hoặc thậm chí là khai tử những quan tham, cũng nhanh chóng và thành chiến dịch như việc đã khai tử hàng loạt cây xanh (hầu như vô tội) giữa lòng Hà Nội, thì môi trường xã hội sẽ trong sạch hơn biết nhường nào…

    Chặt hạ - Thay thế & Hạ bệ

    Ảnh: laodong.com.vn
    Trong khi nỗi lo lắng của con người trước những cơn thịnh nộ của tự nhiên mà biểu hiện rõ nhất là hiện tượng biến đổi khí hậu đang tăng dần (Việt Nam là một trong những nước phải gánh chịu nặng nề), thì có một chuyện động trời đã xảy ra ngay tại Thủ Đô xanh - Thủ Đô vì hòa bình: Công khai khai thác gỗ trên các tuyến phố dưới “kế hoạch mỹ miều”: Chặt tỉa cây sâu, mục...
    Có một sự trùng hợp trớ trêu là cùng với nhiều án oan sai của người dân đã và đang được các luật sư bênh vực và minh oan trong thời gian gần đây, thì lần này có vẻ như cũng chính các luật sư ở Hà Nội đã góp phần quyết định “giải oan” cho cây xanh Hà Nội khỏi phải chết tức tưởi.
    Và, cũng nếu không có sự lên tiếng mạnh mẽ của dư luận người dân Hà Nội và cả nước thì còn lâu nhé ý kiến của Nhà báo Trần Đăng Tuấn trong thư ngỏ và ý kiến của các giáo sư, chuyên gia lâm nghiệp mới làm dừng được chiến dịch chặt hạ này. Vì, như nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nói: “Bởi chúng tôi chỉ là nhân dân, nhân dân là mác là chông, là sông là núi nhưng cũng không là gì…”.
    Cũng có một điều lạ là, các ý kiến xung quanh việc đốn hạ cây xanh ở Hà Nội đa phần chỉ là đau xót, tiếc nuối, chứ có mấy ai để ý đến chuyện làm việc này thì ai được hưởng lợi đâu, mà trong các phản hồi của những người có trách nhiệm đều nhất nhất một điều rằng “không có lợi ích nhóm”, rằng “việc chặt hạ cây là theo qui trình”… cứ giãy nảy cả lên như kiểu “có tật giật mình” vậy!
    Chuyện có lợi ích nhóm hay không, bài viết này không có ý định đề cập, việc này nếu để các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc một cách nghiêm túc là ra vấn đề ngay thôi.
    Có một sự thật đáng buồn là mãi đến khi hàng trăm (có khi là hàng nghìn) cây xanh bị đốn hạ ồ ạt rồi mới thấy người đứng đầu chính quyền Hà Nội lên tiếng cho dừng “chiến dịch”.
    Việc chăm sóc tu bổ cây xanh là việc làm cần được thực hiện thường xuyên. Điều này nếu làm được sẽ biết được ngay cây nào cần thay thế, cây nào cần đốn cành trước mùa mưa bão… chứ không cần một cuộc “đại chiến dịch” như thế này.
    Chỉ là một người dân bình thường, mức độ hiểu biết có hạn nên tôi không dám phân tích đến lợi ích của cây xanh, của môi trường sống đến sức khỏe cộng đồng, chỉ biết rằng màu xanh của cây là màu của sự sống, ấy là chưa kể đến nhiều cây tồn tại như một bằng chứng lịch sử, một dấu tích. Đành rằng, để xây dựng một Thủ Đô văn minh, hiện đại thì đôi khi cũng cần những hy sinh nhất định, nhưng chắc chắn không phải như “chiến dịch” này. Cách cư xử với cây xanh, cũng là cách ứng xử với tự nhiên, tàn bạo với tự nhiên như vậy thì hứng chịu hậu họa cũng là “nhân quả”.
    Ở ta chưa có văn hóa từ chức, nhưng trong việc này có ai dám từ chức hay phải đợi kết quả thanh tra tới đây… để buộc phải cách chức.
    Một trong những lý lẽ không mấy thuyết phục được đưa ra là dự án chặt hạ và thay thế cây xanh không dùng ngân sách mà dùng tiền tài trợ của các tổ chức, cá nhân. Rằng, lý do chặt cây là do sự nôn nóng của các nhà tài trợ… Trước dư luận này, một số nhà tài trợ đã lên tiếng rằng họ không nóng vội trong chuyện này, họ cũng không tài trợ để chặt cây và trồng nhầm cây.
    Không biết rồi ai sẽ nhận trách nhiệm, chịu trách nhiệm và bị xử lý vì thiếu trách nhiệm… trong đề án chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh?
    Quốc tế sẽ cảm nhận gì khi đặt chân tới Hà Nội, đi qua những con đường vừa mới đây thôi đã như là “lâm trường khai thác gỗ” giữa Thủ đô xanh? Những băn khoăn này chắc cũng khó trả lời như hơn 20 câu hỏi của các nhà báo đã đặt ra mà ông Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bỏ chừng giữa buổi họp báo.
    Lan Quang

    http://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/chat-ha-thay-the-and-ha-be_t209c68n86786

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét