Vụ án Hồ Duy Hải: Liệu có phải là Nguyễn Thanh Chấn thứ hai?
Những ngày này, dư luận đang dành sự quan tâm tới sự kiện “tử tù” Hồ Duy Hải được kỹ lệnh hoãn thi hành án tử hình với hai tội danh “giết người” và “cướp tài sản” vào ngày 4.12. Ngay sau đó, báo chí đã phanh phui ra rất nhiều điểm bất thường trong việc kết án Hồ Duy Hải 6 năm về trước. Câu hỏi đặt ra là liệu Hồ Duy Hải có phải là một người dân bị kết tội oan giống như vụ án Nguyễn Thanh Chấn nổi tiếng 1 năm trước đây hay không, tất cả điều đó còn chờ sự phán xét công tâm của pháp luật.
1. Hồ Duy Hải đã bị kết án tử hình như thế nào?
Năm 2008, Hồ Duy Hải (SN 1985, ngụ Q.5, tạm trú huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An đã bị kết án tử hình vì có hành vi giết hai người là N.T.A.Hồng (SN 1985) và N.T.T.Vân (SN 1987) đều là nhân viên bưu điện Cầu Voi tại ấp 5, xã Nhị Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An rồi cướp đi tài sản của họ. Bản án phúc thẩm có hiệu lực năm 2009 xác định, khoảng 19h ngày 13/1/2008, Hải đi xe máy của dì ruột đến bưu điện Cầu Voi (Long An) rồi vào trong ngồi nói chuyện với chị Hồng là nhân viên bưu điện. Khoảng 20h30, Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị Hồng nên đưa tiền cho chị Vân (người cùng trực với chị Hồng) đi mua trái cây. Khi chị Vân ra ngoài, Hải kéo chị Hồng vào phòng ngủ nhưng chị này phản ứng đạp anh ta vào tường.
Tức giận, anh ta bóp cổ, lấy thớt đập vào mặt rồi lấy dao cắt cổ chị Hồng. Sợ bị phát hiện, khi thấy Vân đi mua trái cây về, Hải đứng phục sẵn ra tay sát hại luôn Vân. Gây án xong, Hải ra phòng vệ sinh rửa tay, rửa dao, bỏ dao vào sau tấm bảng, mở tủ lấy 1,4 triệu đồng, 40-50 sim card, chiếc điện thoại đi động, sợi dây chuyền, bông tai của các nạn nhân. Về nhà, anh ta cất nữ trang của nạn nhân vào bọc nylon rồi đi ngủ.
Sau một thời gian tranh tụng, điều tra, sau khi đánh giá toàn bộ các chứng cứ, HĐXX cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Hồ Duy Hải do thua cá độ bóng đá nên đã giết hai nạn nhân Hồng và Vân một cách dã man nhằm cướp tài sản. Từ đó, tòa tuyên giữ nguyên hình phạt tử hình đối với Hải như bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Long An đã áp dụng
2. Nhiều chứng cớ chưa thuyết phục
Có quá nhiều điểm nghi vấn trong vụ án này và đó cũng chính là lý do Hồ Duy Hải được hoãn án tử hình ở phút chót, để không xảy ra thêm một vụ án oan lớn.
Trước hết, tại biên bản giám định hiện trường ghi nhận có nhiều dấu vân tay nhưng kết quả giám định cho thấy “các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón in trên bản chỉ của Hồ Duy Hải”. Thêm nữa Hải khai báo gây án khi để dép ở ngoài bậc tam cấp của bưu điện nhưng hiện trường khám nghiệm lại có dấu dép. Cơ quan chức năng cũng chưa làm rõ những dấu vân tay này của ai. Cơ quan điều tra cũng đã trưng cầu giám định nhiều dấu vết, tang vật khác như mẫu máu, tóc, tro và toàn bộ các kết quả giám định đều không có chỉ dấu liên quan đến Hải.
Thứ hai, động cơ gây án cũng chưa đủ sức thuyết phục. Lúc đầu TAND tình Long An nói do Hải nảy sinh ý định quan hệ sinh lý với chị Hồng, do chị Hồng không đồng ý nên Hải mới giết. Cuối cùng lại kết luận do Hải thua cá độ bóng đá nên giết người để cướp tài sản. Riêng tội “cướp tài sản” mà cơ quan tố tụng kết tội Hải cũng không có sự phù hợp: Bản án cáo buộc Hải lấy của nạn nhân Hồng “1 lắc đeo tay”. Cha của Hồng và nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu (bạn thân của Hồng) xác nhận Hồng có “1 chiếc lắc gọng vàng cứng”. Bạn trai của Hồng - ông N.M.S thì khai, Hồng có “1 cái lắc kiểu trái châu”. Còn Hải thì khai lấy của Hồng “1 vòng đeo tay dạng xích”.
Một phần biên bản hỏi cung, khai nhận tội của Hồ Duy Hải.
Thứ ba, có rất nhiều chứng cứ ngoại phạm của Hải bị bỏ sót. Cơ quan chức năng xác định khoảng 19h30 Hải đến bưu điện ngồi nói chuyện với bị hại Hồng và sau đó gây án.Tuy nhiên, vào thời điểm 19h13, Hải vẫn còn nghe điện thoại của một người đàn ông tên Đang ở tiệm cầm đồ cách bưu điện 7,5 km. Vậy làm sao Hải kịp đến bưu điện và gây án vào lúc 19h30?
Thứ tư, trong quá trình tố tụng, cơ quan tố tụng đã có rất nhiều sai phạm như: Ở một số bản khai ban đầu Hải thừa nhận đập đầu chị Hồng ở bể nước nhưng ở bưu điện lại không có bể nước. Anh ta cũng khai đã giao cấu với nạn nhân nhưng trong cáo trạng không thể hiện những tình tiết này...
Cáo buộc của cơ quan tố tụng xác định Hải dùng nhiều hung khí như thớt, dao, ghế để gây án, song khi khám nghiệm hiện trường thì không có bất cứ vật nào có dấu vết phạm tội và cũng không thu giữ được. Các dân phòng khi thu dọn hiện trường có tìm thấy một con dao sau tấm bảng. Nhưng do được cho là không có dấu vết gì trên con dao nên đã không thu giữ mà đem đốt cùng nhiều vật dụng khác. Sau đó, chính các dân phòng này đã đi mua con dao mới giống với con dao đã đem đi đốt để làm vật chứng. Cơ quan tố tụng cũng cáo buộc Hải dùng thớt gỗ đập đầu nạn nhân Hồng. Khi khám nghiệm hiện trường công an ghi nhận, trên đầu nạn nhân có thớt gỗ nhưng không thu giữ do không có dấu vết liên quan đến vụ án. Ngày 24/6/2008, cơ quan điều tra yêu cầu chị Lê Thị Thu Hiếu (là bạn của 2 nạn nhân) đi mua một cái thớt về, rồi cho rằng Hải đã dùng một cái thớt như vậy để tấn công nạn nhân Hồng.
Chưa kể trong đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án liên quan đến Hồ Duy Hải, có nhiều điểm mà cơ quan điều tra đã cố tính làm sai lệch hồ sơ vụ án. Cụ thể là điều tra viên có dấu hiệu sữa chữa, ghi thêm vào những tình tiết về BKS xe gắn máy cho rằng Hải đã đi đến bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra án mạng. Hay như việc sữa chữa kích thước con dao Hải đã dùng để sát hại 2 nạn nhân từ lời khai của các nhân chứng, không có chữ ký xác nhận của người khai báo.
Dấu hiệu nghi vấn cạo sửa nội dung về kích thước con dao trên biên bản lời khai của nhân chứng Lê Thị Thu Hiếu.
Cuối cùng, trong Lệnh bắt khẩn cấp Hải có sai sót khi nêu tên Nguyễn Duy Hải, không phải Hồ Duy Hải.
3. Hành trình 6 năm kêu oan liệu có kết thúc có hậu?
Hơn 5 năm sau khi bản án có hiệu lực, gia đình bị cáo liên tục kêu oan. Trưa 4/12, một ngày trước khi thi hành án tử hình Hải, nhiều người thân của tử tù đến trụ sở TAND tỉnh Long An xin được dừng việc thi hành án để gia đình tiếp tục kêu oan.
Cùng ngày 4/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã có công văn gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo cho tạm dừng thi hành hình phạt tử hình đối với Hồ Duy Hải. Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chỉ đạo xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không và báo cáo Chủ tịch nước kết quả trước ngày 4/1/2015.
Khi tìm hiểu sâu về vụ án, các luật sư có cùng nhận định, việc Hồ Duy Hải có bị oan hay không là chưa thể khẳng định. Nhưng với những dấu hiệu sai phạm trong quá trình điều tra, tố tụng từ đó căn cứ cáo buộc Hồ Duy Hải phạm tội giết – cướp, để tuyên án loại Hải vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội thì chưa thực sự vững chắc, chưa đủ sức thuyết phục…
Có thể thấy, việc “tử tù” Hồ Duy Hải được hoãn tử hình án mới chỉ là bước khởi đầu tích cực trong việc điều tra cũng như thực thi luật pháp. Hồ Duy Hải có thực sự có tội hay không, nếu có tội thì phải đủ chứng cứ rõ ràng để chứng minh. Nếu Hồ Duy Hải vô tội, cần đến sự công tâm của những người cầm cán cân pháp luật, để người dân không phải bức xúc vì một mạng người bị coi thường, và để không bao giờ xảy ra một vụ án oan Nguyễn Thanh Chấn thứ hai nào nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét