Nhà báo Tạ Bích Loan trở lại với "60 phút mở"
Được đánh giá là một nhà báo giàu tâm huyết, tiến sĩ Tạ Bích Loan luôn đau đáu trước những vấn đề nóng hổi của xã hội, đặc biệt là những câu chuyện liên quan đến người trẻ. Chính vì thế, sau khi chương trình"Chuyện đương thời" ngừng phát sóng, chị cùng ê-kip đã mất vài tháng nghiên cứu để lên format cho một chương trình hoàn toàn mới mang tên “60 phút mở”.
“60 phút mở” sẽ là nơi các vấn đề của người dân được quan tâm, nơi tiếng nói của người dân được lắng nghe , nơi băn khoăn của người dân được chia sẻ và tìm hướng giải quyết. Không chỉ có vậy, ngay từ tên gọi, “60 phút mở” không bó hẹp khán giả trong khoảng thời gian ít ỏi trên sóng mà còn mở ra một không gian thảo luận cởi mở và chân thực trên fanpage trước và sau khi chương trình lên sóng.
Chương trình đầu tiên của "60 phút mở".
|
Trong chương trình mới này, nhà báo Tạ Bích Loan vẫn giữ vai trò quen thuộc là “host” nhưng đồng hành với chị còn có MC trẻ Sơn Lâm – người sẽ đảm nhiệm phần giao lưu khán giả.
Hai MC của chương trình.
|
Số đầu tiên của "60 phút mở" sẽ phát sóng lúc 9 giờ sáng ngày chủ nhật, 10/5, trên VTV6 và phát lại vào 22 giờ 30 thứ 5 của 2 tuần tiếp theo, trên VTV1.
Một thực trạng đáng báo động ở nước ta hiện nay là số vụ án oan đang có xu hướng tăng lên. Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan đến 10 năm mới được minh oan vừa lắng xuống, thì trong dư luận lại nổi lên vụ án của Hồ Duy Hải. Phải tới khi có văn bản hỏa tốc của Phó Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc can thiệp thì bản án tử hình dành cho Hồ Duy Hải mới được hoãn lại (ngay trước khi thi hành án 1 ngày). Theo lời ông Nguyễn Thanh Chấn thì “Do bị tra tấn đánh đập, làm cho hoảng loạn, sợ hãi, tôi buộc phải nhận và làm theo những gì công an hướng dẫn mà thực tế không phải như vậy… Tôi không giết chị Hoan”. Còn Hồ Duy Hải thì luôn nhận tội trước mặt cán bộ điều tra nhưng lại nói nhỏ vào tai mẹ rằng mình bị oan. Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/3 vừa qua, Bộ Công an đã thống kê số người chết trong quá trình tạm giữ và tạm giam từ 2011 – 2014 là 226 người. Con số này không chỉ làm dư luận bàng hoàng, mà còn khiến nhiều người hoài nghi khi nguyên nhân cái chết được thông báo là do “bệnh lý” và “tự sát”.
Có thể thấy rằng không ít những vụ án oan bắt nguồn từ việc bị can bị ép cung, bị lấy lời khai trước khi hầu tòa, và thậm chí họ chỉ được lựa chọn hoặc là nhận tội, hoặc là bị ép cung … đến chết. Vậy tại sao họ không có “Quyền im lặng” trước khi hầu toà và gặp luật sư bào chữa? Và vấn đề đáng quan tâm là có cần thiết đưa “Quyền im lặng” vào trong Luật? Đó chính là nội dung của số đầu tiên.
PV
Báo Tin tức.
Báo Tin tức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét