Quyền im lặng tại Mỹ (Luật sư Trần Đức Hoàng)
Giới thiệu về Tuyên ngôn Nhân quyền trong Hiến Pháp Mỹ:
Tuy Tuyên ngôn này được làm cách đây hơn 224 năm, nhưng đến nay giá trị của nó vẫn không hề thay đổi và được coi là chứa đủ các Quyền căn bản của con người trên toàn thế giới hiện đại. Rất nhiều học giả cho rằng sự phát triển của Mỹ ngày nay chính là nhờ bản Tuyên ngôn Nhân quyền này - bản Tuyên Ngôn được tạo ra từ những bộ óc luật pháp vĩ đại nhất thời bấy giờ.
Quyền im lặng
Toàn văn Tu chính án 5:
“Không người nào bị buộc phải trả lời về một tội có mức án tử hình hoặc một trọng tội nào khác, nếu không có một cáo tội trạng hay tố cáo trạng do một đại bồi thẩm đoàn đưa ra, ngoại trừ trong các trường hợp xảy ra trong lục quân, hải quân, hoặc trong hàng ngũ dân quân, khi đang thi hành công vụ trong thời chiến hoặc khi có nguy hiểm cho quần chúng; và không người nào phải bị xử hai lần cho cùng một tội có thể đưa đến tử hình hoặc giam cầm; và trong bất kỳ vụ án hình sự nào cũng không phải bị ép buộc làm nhân chứng chống lại chính mình, và không thể bị tước đoạt sinh mạng, tự do, hoặc tài sản, nếu không qua một quá trình xét xử theo đúng thủ tục quy định của pháp luật; không một tài sản tư hữu nào bị trưng dụng cho mục đích công cộng nếu không được bồi thường thỏa đáng.”
Tòa án tối cao Mỹ coi câu trên trong Tu chính án 5 là một trong những Quyền căn bản của người dân, và gọi nó là “Quyền không tự buộc tội bản thân”. Việc sử dụng quyền này bao gồm Quyền im lặng và từ chối trả lời mọi câu hỏi, bởi vì mọi lời nói của một người đều có thể bị đem ra làm bằng chứng chống lại bản thân anh ta. Như vậy, có thê thấy rằng Quyền im lặng chính là một trong những quyền con người căn bản và lâu đời nhất tại Mỹ.
*Theo cuốn từ điển pháp luật của Mỹ, thì Tu chính án 5 còn bắt công tố viên phải mang ra được các bằng chứng khác, ngoài lời khai của bị cáo, để chứng minh bị cáo có tội.
Lời cảnh báo Miranda
Toàn văn Lời cảnh báo Miranda
“Anh có quyền giữ im lặng và từ chối trả lời câu hỏi. Bất cứ điều gì anh nói cũng sẽ được dùng để chống lại anh trước tòa. Anh có quyền có luật sư trước khi khai báo với cảnh sát và luật sư sẽ hiện diện khi cảnh sát thẩm vấn anh. Nếu anh không thể tìm được luật sư, anh sẽ được cung cấp một luật sư trước khi trả lời các câu hỏi. Anh có thể trả lời câu hỏi khi không có luật sư, nhưng anh vẫn có quyền ngưng trả lời bất cứ lúc nào để chờ sự có mặt của luật sư.”
Thông thường, Lời cảnh báo Miranda phải được cung cấp ngay sau khi nghi phạm bị bắt giữ. Tuy vậy, trong một số trường hợp cực kỳ khẩn cấp liên quan đến tính mạng con người tại ngay thời điểm đó, thì Lời cảnh báo Miranda sẽ không phải lập tức cung cấp. Nhưng, ngay sau đó, nghi phạm vẫn phải được nghe Lời cảnh báo Miranda.
Sau khi nghi phạm đã được cung cấp Lời cảnh báo Miranda, cảnh sát phải lập tức dừng việc thẩm vấn người đó khi:
- Nghi phạm nói rõ rằng anh ta không muốn trả lời, nói chuyện, hoặc
- Nghi phạm nói rõ rằng anh ta muốn nói chuyện với một luật sư
Quyền im lặng tại tòa án
Trong mọi trường hợp, bồi thẩm đoàn và công tố viên không được phép suy diễn việc bị cáo sử dụng Quyền im lặng (sau khi được nghe Lời cảnh báo Miranda) có nghĩa là bị cáo có tội.
Do đây là quyền con người nên không chỉ nghi phạm trong một vụ án hình sự có quyền sử dụng Quyền không tự buộc tội bản thân, mà cả nhân chứng cũng có quyền này để từ chối trả lời một số câu hỏi của tòa và các bên.
*Lưu ý rằng: nếu tại tòa, bị cáo quyết định đứng lên làm chứng và đưa ra các lời khai thì người đó không còn quyền từ chối trả lời các câu hỏi có liên quan đến lời khai đó.
Vậy tòa án sẽ xử lý ra sao khi Quyền im lặng bị xâm phạm ?
- Nếu lời khai của nghi phạm được lấy từ việc bức cung thì lời khai này và mọi bằng chứng được lấy từ lời khai đó sẽ không được mang ra trước tòa cho bất kỳ mục đích nào.
- Nếu lời khai của nghi phạm được lấy trong lúc quyền nghe lời cảnh báo Miranda bị vi phạm thì lời khai này không được mang ra trước tòa để buộc tội nghi phạm. Nhưng, lời khai này có thể dùng trước tòa để so sánh với các lời khai trái ngược khác của nghi phạm, và ám chỉ rằng nghi phạm là một người không trung thực. Ngoài ra, các bằng chứng được lấy từ lời khai này cũng sẽ được mang ra trước tòa để buộc tội nghi phạm.
Quyền có luật sư
Tại Tu chính án 6 của Hiến pháp Mỹ, ta có thể tìm thấy câu sau:
Toàn văn Tu chính án 6:
Trong mọi truờng hợp truy tố hình sự, bị cáo có quyền được xét xử một cách nhanh chóng và công khai bởi một bồi thẩm đoàn không thiên vị của bang hoặc khu vực nơi tội phạm đã xảy ra, bang và khu vực này trước đó đã được pháp luật xác định là có thẩm quyền, và bị cáo phải được thông báo về tính chất và lý do buộc tội; phải được đối chất với những nhân chứng chống lại mình; được quyền triệu tập những nhân chứng có lợi cho mình, và có sự giúp đỡ của luật sư bào chữa.
Đây cũng là một trong những quyền cơ bản của người dân tại Mỹ, mà được gọi là "Quyền có luật sư". Quyền có luật sư thường hay được sử dụng kèm với Quyền im lặng.
Dựa trên quyền này, về căn bản, sau khi bị cáo đã bị khởi tố hình sự, hầu hết mọi quá trình liên quan đến điều tra, thẩm vấn bị cáo phải được diễn ra dưới sự có mặt của luật sư bị cáo. Nếu vi phạm quyền này mọi lời khai liên quan và bằng chứng lấy từ các lời khai đó sẽ không được mang ra trước tòa cho bất kỳ mục đích nào.
Suy nghĩ riêng của tác giả
Tác giả bài viết này cho rằng Tuyên ngôn Nhân quyền của Mỹ phải là một trong những điều luật tiên tiến nhất của nhân loại. Những quyền trong bản tuyên ngôn được làm cách đây hơn 224 năm này chính là những quyền con người căn bản mà mọi xã hội hiện đại đều phải có. Và, Quyền im lặng chính là một trong những quyền căn bản đó.
Mội xã hội có luật pháp phát triển và quyền lợi con người rõ ràng thì nền văn hóa, kinh tế của xã hội đó cũng sẽ tự nhiên mà phát triển theo. Đó là yếu tố tạo nên con người, và yếu tố con người thì sẽ quyết định tương lai của một xã hội.
Đã đến lúc để mà Việt Nam công nhận Quyền im lặng, và tác giả bài viết này hy vọng rằng Quốc Hội Việt Nam sẽ sớm thông qua và công nhận quyền con người này.
Nguồn tham khảo: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ -Vụ đặc trách các Chương trình Thông tin Quốc tế
Thông tin về Luật sư Trần Đức Hoàng:
Luật sư Trần Đức Hoàng là một trong những công dân Việt Nam hiếm hoi có may mắn được học luật tại Mỹ dưới chương trình Juris Doctor (tiến sĩ luật). Tập trung vào mảng luật quốc tế và luật thương mại, Hoàng hiện đã có bằng luật sư tại bang Massachusetts và New York. Ngoài ra, Hoàng còn là một nhà khởi nghiệp trong giới công nghệ thông tin. Sắp tới Hoàng sẽ về Việt Nam để chính thức điều hành startup đầu tay của mình và những người bạn, Ezlaw.
- Địa chỉ Facebook:www.facebook.com/cafepho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét