Cựu Thượng Nghị sỹ Jim Webb và phu nhân Hồng Lê Webb trả lời phỏng vấn BBC hôm 30/4/2015
Cựu binh Việt Nam và cựu Thượng Nghị sỹ Jim Webb nói với BBC ông tin vào một quan hệ gần gũi hơn nhiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai trong phỏng vấn thực hiện tại Washington DC hôm 30/4.
Câu hỏi đầu tiên mà Nguyễn Hùng đặt cho ông bên lề lễ tưởng niệm 40 năm Sài Gòn sụp đổ do cộng đồng tổ chức là ông nghĩ sao về quan hệ Việt Nam trong năm và 10 năm tới nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao.
Cựu Thượng Nghị sỹ Jim Webb: Hôm nay là tưởng niệm 40 năm Sài Gòn sụp đổ, thời khắc gây nhiều xúc động cho người Mỹ gốc Việt. Tôi đã tham gia các hoạt động liên quan tới quan hệ Việt - Mỹ từ năm 1991 khi tôi có chuyến trở lại Việt Nam lần đầu tiên và mỗi một lần tới đó tôi đều nói về cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và tầm quan trọng của chuyện Việt Nam kết nối với cộng đồng người Mỹ gốc Việt bằng sự tương kính đối với quan hệ song phương. Khi lần đầu tiên tôi tới đó hồi năm 1991, về cơ bản đó là một nhà nước kiểu Stalin, mọi thứ đều bị khóa chặt, đi từ tỉnh này sang tỉnh khác cũng bị kiểm soát.
Tôi hy vọng họ [chính quyền Hà Nội] hiểu rằng đó là vì lợi ích của chính họ và của đất nước khi họ chuyển sang một hệ thống dân chủ hơn.
Cựu Thượng Nghị sỹ Jim Webb
Đất nước dần ngóc lên trong những năm 1990 khi họ thực hiện chính sách Đổi Mới và mở cửa cho kinh doanh, tôi cũng mang những doanh nhân Mỹ tới đó trong vài năm. Người ta có thể thấy sự thay đổi trên đường phố khi có nhiều người từ bên ngoài vào giao lưu, kết bạn và người ta học hỏi những thứ khác nhau. Rồi cuộc cách cách mạng kỹ thuật nổ ra khi người dân có thể mở TV và biết được thế giới bên ngoài trông như thế nào, cộng thêm kỷ nguyên Internet và những thứ khác nữa.
Tất cả những điều này làm tăng kiến thức ở bên trong Việt Nam về những gì đang diễn ra trên thế giới. Tôi tin rằng điều không tránh khỏi là chính quyền Việt Nam sẽ phải nới lỏng những kiểm soát đối với dòng chảy thông tin, đối với việc bày tỏ ý tưởng và những điều tương tự. Tôi hy vọng, [phải nói rằng] tôi làm việc với họ thường xuyên, và mỗi kiểu quan hệ như vậy đều có giai đoạn thử nghiệm và tôi đã có những bất đồng khi tôi mới tới đó nhưng họ biết là tôi cũng nói những điều tương tự khi tôi ở đây. Tôi hy vọng họ hiểu rằng đó là vì lợi ích của chính họ và của đất nước khi họ chuyển sang một hệ thống dân chủ hơn.
BBC: Ông có nghĩ rằng họ gắn kết với cộng đồng ở đây đủ mạnh không?
Cựu Thượng Nghị sỹ Jim Webb: Tôi nghĩ rằng quá trình [hàn gắn] đã diễn ra rất chậm và giờ tôi thấy có nhiều [gắn kết] hơn so với trước đây. [Trước đây] đã có sự thù nghịch vô cùng trong cộng đồng ở đây vì cách chiến tranh kết thúc với 1.000.000 người phải vào trại cải tạo, 240.000 người bị đi [cải tạo] hơn bốn năm. Nhiều bạn của tôi trải qua 13 năm rưỡi trong trại cải tạo. Bởi thế một mặt chúng ta có thể nói về chuyện giải quyết những vấn đề của cuộc chiến nhưng ngoài ra còn có tất cả những vấn đề xảy ra sau cuộc chiến, người ta nhảy xuống biển như toàn bộ gia đình vợ tôi chẳng hạn. Chuyện xây lại cây cầu [nối đôi bên] đã rất tốn thời gian. Chính quyền Hà Nội không phải luôn hài lòng khi người Việt từ nước ngoài trở về hồi những năm 1990, khi đó vẫn còn những căng thẳng. Nhưng mọi chuyện đã tốt dần lên.
BBC: Trước khi tôi hỏi ông thêm một, hai câu hỏi nữa, tôi có thể hỏi bà Webb về cảm nghĩ của bà nhân 40 năm kết thúc chiến tranh được không?
Bà Hồng Lê Webb: Đây là ngày rất quan trọng đối với gia đình tôi vì gia đình tôi đã chịu đau khổ trong chiến tranh và chồng tôi cũng có vai trò quan trọng chiến đấu trong cuộc chiến. Đối với cả gia đình tôi, đây là ngày quan trọng. Đối với cộng đồng, đây là một trong những ngày tưởng niệm quan trọng ở nhiều mức độ nên đối với chúng tôi chuyện có mặt ở đây để ghi nhớ những hy sinh của thế hệ đi trước để chúng tôi có thể tới đất nước này tái định cư là niềm hân hạnh.
Đó là điều tốt khi cả hai phía tiến về phía trước nhưng nó [hòa giải] phải là quá trình cởi mở và thực lòng.
Bà Hồng Lê Webb
BBC: Bà có hoàn toàn ủng hộ mối quan hệ mạnh mẽ hơn và tốt đẹp hơn giữa Hoa Kỳ và Việt Nam không?
Bà Hồng Lê Webb: Tôi nghĩ rằng khi cộng đồng [ở đây] coi đó là một phần của quá trình hòa giải [thì đó là điều tốt]. Tôi nghĩ nhiều người cởi mởi với [tiến trình này]. Đó là điều tốt khi cả hai phía tiến về phía trước nhưng nó phải là quá trình cởi mở và thực lòng.
Cựu Thượng Nghị sỹ Jim Webb: Cho tôi trả lời thêm câu hỏi đó. Khi tôi vào Thượng Viện, tôi nói rằng về mặt tái cân bằng về châu Á mà chúng tôi lập ra ở văn phòng [Thượng viện] của chúng tôi chứ không phải do văn phòng ông Obama lập ra, việc xoay trục về châu Á được chúng tôi coi là tăng cường quan hệ với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore và thay đổi cách làm việc với Miến Điện.
Đó là những gì chúng tôi cố gắng làm mỗi ngày. Tôi tin rằng Việt Nam là nước rất quan trọng đối với vị trí của Hoa Kỳ trong khu vực. Đó là một trong những lý do tôi đã tới chiến đấu ở đó trong cuộc chiến đó. Chúng ta càng can dự trực tiếp với chính quyền Việt Nam nhiều bao nhiêu, chúng ta có thêm nhiều đối thoại để khuyến khích họ rằng những điều chúng tôi làm không phải là phản cách mạng trong văn hóa của họ. Tôi hy vọng chúng tôi sẽ có quan hệ gần gũi hơn nhiều trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét