Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Cách đây tròn 7 năm, có hai ông Kim Quốc Hoa bị bắt.

Hai nhà báo chuyên viết đấu tranh chống tham nhũng bị bắt

13/05/2008 07:47 GMT+7
TTO - Sáng 13-5, thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14 đã nhận được quyết định khởi tố. Trước đó, chiều 12-5, hai nhà báo nổi tiếng đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực là Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên) đã bị cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố, bắt tạm giam. Cùng với hai anh, thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14 cũng bị bắt.
* Thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14 cũng bị bắt
* Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, nguyên Cục trưởng C14 bị khởi tố

Phóng to
Nhà báo Nguyễn Văn Hải (33 tuổi, Phó trưởng Văn phòng đại diện kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội), trong một chuyến đưa hàng cứu trợ lên Lào Cai giúp đỡ đồng bào bị rét trong dịp tết vừa qua
Nghe đọc nội dung toàn bài:
Hai nhà báo nói trên bị khởi tố bị can về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS.
Quyết định khởi tố bị can cho rằng hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến đã đưa những thông tin sai sự thật về vụ án Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản tại Ban Quản lý dự án 18.
Cùng bị bắt trong vụ án này còn có thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 của C14.
Trước đó, cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã khởi tố vụ án "Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước" theo điều 263 BLHS và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 BLHS.
Liên quan đến vụ án này, từ tháng 5-2007, khi quá trình điều tra các vụ án tiêu cực liên quan đến PMU18 do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14, Bộ Công an) thụ lý bước vào giai đoạn kết thúc, hàng chục phóng viên của các báo từ Trung ương đến địa phương đã bị mời lên cơ quan An ninh điều tra để trả lời câu hỏi về việc lấy thông tin từ đâu, kiểm chứng như thế nào đối với các thông tin mà cơ quan chức năng cho rằng sai sự thật.
14g chiều qua, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến có mặt tại trụ sở cơ quan An ninh điều tra theo yêu cầu của cơ quan công an. Tại đây, các điều tra viên đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và đưa hai nhà báo về nhà riêng và trụ sở văn phòng đại diện để khám xét.
Phóng to
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (thứ hai từ phải sang) chia tay các đồng nghiệp, tự tin đến nhà giam - Ảnh: Thanh niên
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến sinh năm 1952, đã từng phục vụ trong quân đội. Tốt nghiệp đại học ngành địa chất, Nguyễn Việt Chiến công tác tại báoVăn Nghệ, trước khi về làm phóng viên báo Thanh Niên từ năm 1993, chuyên theo dõi mảng nội chính.
Theo đánh giá của Ban Biên tập báoThanh Niên, Nguyễn Việt Chiến là nhà báo nhiệt huyết, chín chắn, và có nhiều bài viết dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, đặc biệt trong vụ án "Năm Cam và đồng bọn", được dư luận đánh giá cao. Ngoài lĩnh vực báo chí Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.
Tại nhà riêng nhà báo Nguyễn Văn Hải, việc khám xét kéo dài khoảng 30 phút, cơ quan điều tra thu giữ một CPU máy tính, một điện thoại và một số tài liệu liên quan. Tại văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội, việc khám xét kéo dài đến hơn 19g, cơ quan công an cũng thu giữ một CPU máy tính cùng một số tài liệu liên quan. Tương tự, tại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Việt Chiến và trụ sở báo Thanh Niên tại Hà Nội, cơ quan công an cũng thu giữ một số tài liệu, giấy tờ và CPU máy tính.
Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã mời luật sư Trần Văn Tạo tham gia tiến trình tố tụng bảo vệ quyền lợi cho nhà báo Nguyễn Văn Hải.
Nhà báo Nguyễn Văn Hải năm nay 33 tuổi, vào Đảng từ năm 21 tuổi - khi còn là sinh viên Phân viện Báo chí và tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). 12 năm lăn lộn với nghề báo, bút danh N.V.Hải, N.V.H. trên báo Tuổi Trẻ gắn liền với hàng loạt vụ án lớn như vụ Thủy cung Thăng Long, vụ tham nhũng ở dự án Mường Tè, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ tiêu cực dầu khí, vụ tiêu cực ở Thanh tra Chính phủ, vụ tiêu cực ở ngành hàng không, vụ tham nhũng đất đai Đồ Sơn, vụ án ở PMU18...
Năm 2003, Nguyễn Văn Hải cùng đồng nghiệp Tuổi Trẻ được trao giải A, Giải báo chí toàn quốc với loạt bài chống nạn cơm tù, xe cướp trên quốc lộ 1A. Ban biên tập và đồng nghiệp Tuổi Trẻ luôn đánh giá cao năng lực, đặc biệt là đạo đức và lối sống của Nguyễn Văn Hải, cả với tư cách một nhà báo lẫn tư cách một công dân.
Với báo Tuổi Trẻ, nhà báo Nguyễn Văn Hải là một con người có bản lĩnh, đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu. Việc nhà báo Nguyễn Văn Hải được tín nhiệm cử giữ chức Phó trưởng Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ kiêm Bí thư Chi bộ Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội đã phần nào nói lên điều đó.
Trong quá trình xử lý, đăng tải thông tin về vụ án tiêu cực ở PMU18, báo Tuổi Trẻ có một số thông tin không chính xác và ngay sau đó đã cải chính kịp thời trên mặt báo, có tin cải chính tới hai lần. Những sơ suất này đều được Ban biên tậpTuổi Trẻ rút kinh nghiệm sâu sắc ở các khâu, trong đó có vấn đề tỉnh táo, thận trọng, tránh nôn nóng khi đưa tin về các vụ chống tham nhũng.
Bản thân nhà báo Nguyễn Văn Hải cũng đã rút được nhiều bài học kinh nghiệm cho bản thân, đồng thời giúp đỡ rất hiệu quả đối với các đồng nghiệp trong mỗi bản tin đưa lên mặt báo.
...............................................
Phóng to
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (SN 1946), nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14)
TTO - Sáng nay, 13-5, thiếu tướng Vũ Thanh Hoa, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết: cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an đã khởi tố thiếu tướng Phạm Xuân Quắc (SN 1946), nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), Bộ Công an, nguyên Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS.
Theo thông báo của Bộ Công an: trong quá trình điều tra vụ án “Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ; Tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án PMU18” đã có nhiều báo đưa tin liên quan đến cán bộ tiêu cực, tham nhũng, tham gia chạy án, hối lộ… Trong đó, có một số thông tin không đúng sự thật, có thông tin đang trong quá trình điều tra, có tin không có trong hồ sơ vụ án.
Do đó cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo điều 263 và "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 BLHS.
Cơ quan An ninh điều tra xác định việc đưa tin sai sự thật của vụ án là do một số cán bộ Cảnh sát điều tra. Do đó, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố thiếu tướng Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh (nguyên trưởng Phòng 9, C14) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS để điều tra. Hôm qua, ông Đinh Văn Huynh đã bị bắt tạm giam.
Trong vụ án này, hai nhà báo Nguyễn Văn Hải (phó trưởng đại điện Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội) và Nguyễn Việt Chiến (phóng viên báo Thanh Niên) cũng bị khởi tố và bắt tạm giam về tội danh trên.
Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc nguyên là trưởng ban chuyên án điều tra hai vụ án: “Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc” và “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa và nhận hối lộ; Tham ô tài sản tại Ban quản lý dự án PMU18”.
Vụ án thứ nhất đã được kết thúc điều tra và đưa ra xét xử.
Tại vụ án thứ hai, cơ quan điều tra khởi tố 9 bị can, sau đó Viện KSND tối cao đã đình chỉ điều tra vụ án đối với 3 bị can, trong đó bị can Nguyễn Việt Tiến về hai tội danh “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can này về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phóng to
Nhà báo Nguyễn Văn Hải
Việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến chiều qua đã thực sự gây rúng động làng báo. Hàng loạt blogger nhà báo từ Nam chí Bắc ngay lập tức bày tỏ thái độ của mình. Đau buồn và phẫn nộ!
Họ phẫn nộ vì biết rõ đồng nghiệp vừa bị bắt của mình là ai, đã sống và viết như thế nào để bảo vệ cuộc sống tươi đẹp này trước lũ sâu mọt. Không hề cường điệu khi nói rằng đồng nghiệp của chúng tôi - Nguyễn Văn Hải - là một nhà báo tử tế, một nhà báo trẻ đầy chuẩn chất Tuổi Trẻ tại phía Bắc.
Đồng nghiệp đó đang trả giá cho những dòng tin của mình về vụ PMU18 - một vụ án chưa kết thúc và đang có những diễn biến kỳ lạ. Ai ở trong hậu trường vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân.
Và thật khó hiểu, khi hai nhà báo này bị khởi tố theo điều 281 bộ luật hình sự :"lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”. Và điều 281 này nằm trong mục A chưong XXI về các "tội phạm tham nhũng" (!!?). Thật kỳ lạ !
Còn nhớ, cách đây không lâu, trên tạp chí Nghề báo, trung tướng Nguyễn Việt Thành (Tư Bốn), Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đã đề cập đến việc hàng chục nhà báo viết về vụ PMU18 được mời lên cơ quan an ninh điều tra làm việc. Ông có nói một câu thế này : "Các nhà báo đừng vì sai sót nhỏ mà chùn bước, mà giảm ý chí chiến đấu chống tham nhũng. Tôi hiểu là Đảng, nhà nước và nhân dân rất tin tưởng các bạn!".
Kính thưa đồng chí Tư Bốn, chiều qua nhiều nhà báo đã tự hỏi mình về sự chùn bước và ý chí chiến đấu chống tham nhũng ấy, khi những đồng nghiệp tử tế và trong sáng của họ được xe cảnh sát đưa vào trại giam.
BÙI THANH
* Ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam:
Chúng tôi sẽ có trách nhiệm với hội viên
Ngay khi nhận được thông tin về sự việc nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ) và nhà báo Việt Chiến (báo Thanh Niên) bị khởi tố và bắt tạm giam, qua điện thoại, ông Lê Quốc Trung - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam - chia sẻ với Tuổi Trẻ rằng: "Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có trách nhiệm với hội viên".
Ông Lê Quốc Trung cho biết: "Lâu nay, chúng tôi đã nghe phong thanh về khả năng sẽ có nhà báo bị khởi tố vì có liên quan đến việc đưa tin vụ PMU 18. Bây giờ, khi cơ quan chức năng đã có quyết định khởi tố, dĩ nhiên đây là việc rất đáng tiếc... Việc này liên quan đến pháp luật và cũng liên quan đến hội viên Hội nhà báo Việt Nam, vì vậy Hội sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng và có thái độ chính thức khi có thông tin đầy đủ. Trong ngày hôm nay (13-5), chúng tôi sẽ bước đầu tiếp cận với cơ quan chức năng đề tìm hiểu, trước mắt giao cho Ban kiểm tra của Hội tìm hiểu rõ nội vụ để báo cáo lại lãnh đạo Hội".
"Bản thân tôi rất buồn khi được báo tin này... Tất nhiên, Hội luôn luôn có trách nhiệm với hội viên của mình trên cơ sở thực hiện đúng pháp luật" - Ông Lê Quốc Trung khẳng định.
* Ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng Biên Tập báo Thanh Niên:
Tôi cảm thấy không bình thường!
"Tôi cho rằng việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo của báo Thanh niên và báoTuổi Trẻ vào thời điểm này là không bình thường" - Ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên - bày tỏ”.
Theo ông Phong, nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã từng phục vụ trong quân đội. Vốn là kĩ sư địa chất, đam mê thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến công tác công tác tại báo Văn nghệ đến 1993 về làm phóng viên báo Thanh Niên theo dõi mảng nội chính chuyên viết bài điều tra và đấu tranh chống tiêu cực. Các đồng nghiệp đều cho rằng, Nguyễn Việt Chiến là một cây bút chín chắn, nhiệt huyết, nghiêm túc trong lĩnh vực được phân công và có nhiều bài viết trên báo Thanh Niên trong vụ án "Năm Cam và đồng bọn" được dư luận đánh giá cao.
Ngoài lĩnh vực báo chí, Nguyễn Việt Chiến còn là nhà thơ và phê bình văn học có tài. Anh đã đoạt nhiều giải thưởng thơ của báo Văn Nghệ, Văn Nghệ Quân đội và gần đây được giải thưởng thơ của Hội Nhà văn.
"Chúng tôi sẽ tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết, như thuê luật sư, để bảo vệ phóng viên của mình" - Ông Nguyễn Quốc Phong nói.
VÕ VĂN THÀNH ghi
Thời điểm tiến hành điều tra vụ PMU 18, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.
Trả lời báo Tiền Phong ngày 7-4-2006, đồng chí Trần Đại Hưng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng nói:
"Trong vụ án Bùi Tiến Dũng, đối tượng liên quan hầu hết là cán bộ Nhà nước, đặc biệt lại có thêm hành vi chạy tội. Vụ án này nghiêm trọng hơn hẳn các vụ án lớn trước đây như vụ Năm Cam và đồng bọn. Chúng đã tổ chức chạy án bằng 4 đường dây để chạy các cửa là các cơ quan chức năng. Tóm lại bọn chúng chạy đến các cơ quan trực tiếp điều tra và cả các cơ quan không trực tiếp đấu tranh nhưng có thể có tác động đến việc điều tra vụ án...".
Trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 23-3-2006, đồng chí Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ:
"Vụ việc tiêu cực tại PMU 18 đã diễn ra từ lâu với nhiều đối tượng tham gia và sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt. Tôi có thể khẳng định tổ chức Đảng ở PMU 18 bị tê liệt. Tại PMU 18 còn nhiều sai phạm khác, hầu hết các dự án của PMU 18 làm chủ đầu tư đều có vấn đề về chất lượng, riêng dự án cải tạo QL 18, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đã phải xuất toán trên 60 tỉ đồng. Việc tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức, các nhà thầu đều là "sân sau", hoặc có đi có lại với Bùi Tiến Dũng mới thắng thầu. Chúng ta cần bình tĩnh phanh phui đến cùng sự việc này...".
Đặc biệt, trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân ngày 27-3-2006, đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư 6 (2) đã nhấn mạnh:
"Vụ việc tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những người tham gia đánh bạc, cá độ có nhiều tài sản được hình thành một cách bất hợp pháp, do bòn rút của Nhà nước. Một số cán bộ nhà nước có sai phạm trong vụ án này đã tiến hành hối lộ và nhận hối lộ.
Qua điều tra cho thấy, một số vụ việc xảy ra trước đây đã bị cho qua, bị che lấp đi. Như vậy, vụ án này cũng cho thấy tình trạng tiêu cực trong công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra của một số cơ quan. Qua vụ án này, chúng ta thấy được sự suy thoái rất nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số người giữ cương vị cao. Đảng và Nhà nước ta kiên quyết làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân bất kể người đó là ai, những ai cản trở việc xử lý những người vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng...".
Những ý kiến đó, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phan Diễn đăng trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là những ý kiến chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí làm hết trách nhiệm trong việc điều tra, xử lý vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Điều chắc chắn là các đồng chí lãnh đạo nói trên đã được nghe báo cáo trực tiếp từ Ban chuyên án, nên mới có thể có những khẳng định như vậy.
Và điều chắc chắn các nhà báo trong thời điểm diễn ra việc điều tra vụ PMU 18 cũng rất tin tưởng vào sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng mà đại diện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn. Báo chí không có mục đích nào khác là thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, nêu cao trách nhiệm nhà báo và nghĩa vụ công dân, hậu thuẫn cho Đảng và Nhà nước đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Thế nhưng từ nửa cuối năm 2007, có hàng loạt nhà báo đã bị gọi lên Cơ quan an ninh điều tra để hỏi về các căn cứ khi viết bài về vụ án PMU 18 (diễn ra từ năm 2006). Trong đó, hai người bị hỏi nhiều nhất là nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), và nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ TP.HCM).
Những câu hỏi chờ được trả lời !
Điều mà hầu hết những người làm báo không ngờ tới cuối cùng đã xảy ra, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ. Có quá nhiều băn khoăn, khó hiểu xung quanh sự kiện gây chấn động dư luận này.
Có thể nói thời điểm vụ PMU 18 nổ ra (đầu năm 2006) là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam hồi năm 2001. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Chúng tôi, những nhà báo tham gia đưa tin về vụ án PMU 18 đã thường trực 24/24 tại mọi nơi từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra C14, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng triệu độc giả.
Trớ trêu thay, một năm sau khi "vụ án điểm PMU 18" nổ ra, hàng chục người viết bài chống tiêu cực vụ PMU 18 đã bị gọi lên lấy lời khai trước cơ quan an ninh điều tra. Trong nhiều ngày liền, phóng viên Việt Chiến (đã 56 tuổi) liên tục bị hỏi về nguồn tin khi viết các bài báo liên quan đến vụ PMU 18, trong đó trọng điểm là bài Bùi Tiến Dũng đã khai đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng đăng trên báo Thanh Niên ngày 16-4-2006.
Và hai năm sau khi những kẻ đánh bạc, tham nhũng bị khởi tố và đưa vào nhà giam, tháng 5-2008 hai phóng viên (thuộc hàng những nhà báo giỏi nhất trong làng phóng viên nội chính phía Bắc) đã bị bắt. Họ bị bắt với tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an).
Nhưng cuối cùng, cho đến nay chỉ có 2 phóng viên bị khởi tố, trớ trêu thay, đó lại là hai phóng viên của hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ. Điều này có công bằng không? Có đúng đường lối, quan điểm và quyết tâm chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không?
Về mặt pháp lý: Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo pháp luật, là người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích của công dân.
Đối chiếu với điều trên, PV Nguyễn Việt Chiến là người có bề dày trong việc viết bài chống tham nhũng, từng góp phần làm rõ, đưa ra công luận nhiều vụ án nóng như vụ Năm Cam, vụ cầu thủ bán độ, vụ Khánh trắng, vụ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ... PV Nguyễn Việt Chiến nói riêng và các nhà báo nước nhà nói chung đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không quản vất vả, hiểm nguy để săn tin, kiểm chứng thông tin, đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và nóng nhất.
Trong vụ việc này, PV Nguyễn Việt Chiến hoàn toàn làm theo chức phận của một nhà báo, là đưa tin (với những thông tin lấy từ nguồn tin có căn cứ) cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực. Anh không hề có động cơ cá nhân, không vì vụ lợi, không vượt quyền hạn cho phép. Tất cả chỉ vì một động cơ: Chống tham nhũng, bảo vệ chế độ. Vậy tại sao phóng viên này lại bị khép tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"?
Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát... mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của báo Thanh Niên. Động cơ phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng.
Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo. Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo chân chính có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng chí, trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.
Trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo chủ trì, Phó tổng biên tập báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong đã bày tỏ mối băn khoăn về thông tin đang lan truyền sẽ có khởi tố bị can những người viết bài liên quan đến vụ PMU 18.
Ông Phong có nêu: Không rõ vụ việc nói trên cơ quan pháp luật có trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo với tư cách là những cơ quan định hướng dư luận, quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi nhà báo? Ông Phong nhắc lại câu chuyện cũ cách đây khoảng chục năm.
Khi đó, cũng tại một buổi họp với báo chí, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông Hữu Thọ đã kể lại một câu chuyện: khi cơ quan pháp luật ra lệnh bắt giam nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập báo Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hữu Thọ có nói rằng khi nghe phong thanh có chuyện bắt Tổng biên tập Hoàng Linh, ông Thọ đã bày tỏ quan điểm là phải thật thận trọng.
Nhưng vì không có sự trao đổi nên phía Ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó cũng không có văn bản bày tỏ quan điểm chính thống. Đến khi vụ án Nguyễn Hoàng Linh không xử được, thì các cơ quan pháp luật có đặt vấn đề tham khảo ý kiến ông Hữu Thọ, ông đã trả lời: "Lúc bắt có hỏi tôi đâu, đến khi không kết tội được và muốn thả, thì mới hỏi tôi là thế nào?"... Không biết trong vụ việc bắt hai nhà báo lần này, các cơ quan trên có được tham khảo ý kiến?
Về trách nhiệm của Bộ Công an. Trong 2 năm phản ánh về diễn biến vụ án PMU 18, tòa soạn và Ban Biên tập báo Thanh Niên không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ cơ quan điều tra vụ án, từ Tổng cục Cảnh sát, từ Bộ Công an, từ Viện KSND tối cao thông báo về việc báo đăng tin, bài không chính xác về vụ PMU 18. Tại sao Bộ Công an có người phát ngôn nhưng không công khai đưa ra những thông tin cảnh báo báo chí từ khi các cơ quan báo chí mới đưa tin về vụ án này.
Tại sao Bộ Công an không cung cấp thông tin chính thống từ phía Bộ? Nếu cho rằng báo chí có nhiều sai sót trong việc phản ánh vụ án PMU 18, thì trước hết, Bộ Công an cần làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra vụ án, trách nhiệm người phát ngôn Bộ Công an, của Văn phòng Bộ Công an, của Trung tâm báo chí Bộ Công an... là những người, những cơ quan đã không liên lạc với báo chí trong suốt 2 năm qua để điều chỉnh những thông tin mà họ cho là báo chí đã đưa không chính xác về vụ PMU 18.
Những phóng viên theo dõi ngành, trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an để tuyên truyền công tác cho ngành, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có). Trong suốt thời gian báo chí đăng nhiều tin, bài về vụ án PMU 18, chúng tôi cũng không hề thấy Bộ Công an phối hợp kịp thời với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong các thời điểm "nóng" để chỉ ra những thông tin chưa chính xác của báo chí và có hướng điều chỉnh. Vậy sự "im lặng" kéo dài của Bộ Công an trong thời gian này có nguyên cớ gì?
Thật đáng tiếc, trong khi Đảng, Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng thì hai phóng viên "nhiệt huyết, có nghề" của hai tờ báo có uy tín đã bị bắt. Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: "Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình".
Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ tiếp tục đặt lòng tin vào tất cả các nhà báo chân chính, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật làm sáng tỏ sự việc vì lợi ích của đất nước và dân tộc.
Thanh Niên
......................................................
TTO xin đăng tải một số ý kiến trong rất nhiều ý kiến bạn đọc vừa gửi đến. Và, xin cám ơn bạn đọc đã đứng bên cạnh chúng tôi trong lúc khó khăn này.
Thế nào là "lợi dụng chức vụ, quyền hạn"?
* Về mặt khách quan, một trong các yếu tố pháp lý để cấu thành tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" là người phạm tội phải có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình và sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm thực hiện mục đích của họ đặt ra, gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, các tổ chức xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân…
Ở đây, hai phóng viên của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ đã dựa và những nguồn thông tin khác nhau, có kiểm chứng và phản ánh sự việc trong bài viết của mình để cung cấp đến bạn đọc. Đây là chức năng nhiệm vụ được nhà nước và xã hội giao phó, và họ đã thực hiện đúng chức năng đó. Như vậy thì cơ sở nào cơ quan an ninh điều tra khẳng định hai phóng viên của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình và sử dụng chức vụ, quyền hạn đó một cách trái phép nhằm thực hiện mục đích của họ đặt ra để gây thiệt hại cho lợi ích của nhà nước, của các tổ chức xã hội?
Mục đích của hai nhà báo này là cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng. Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an xem đây là mục đích, động cơ vụ lợi của họ hay sao?!
Phương tiện thông tin đại chúng có chức năng tìm hiểu, phản ánh vụ việc để đưa thông tin đến bạn đọc, công chúng nhằm tuyên truyền giáo dục pháp luật, đấu tranh cho dân chủ, công bằng xã hội và cao hơn nữa bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Sự tìm hiểu, khai thác thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng về sự thật của vụ việc khác với nghiên cứu tìm ra sự thật vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Các phương tiện thông tin đại chúng sẽ khai thác tất cả các kênh khác nhau, các loại đối tượng khác nhau trong các quan hệ tố tụng và ngoài tố tụng để khai thác thông tin, truyền tải vụ việc.
Trong nhiều trường hợp, sự tham khảo thông tin của các cơ quan tiến hành tố tụng với các phương tiện thông tin đại chúng đã đăng tải giúp các cơ quan tiến hành tố tụng củng cố chứng cứ của mình, tăng nguồn tư liệu và củng cố niềm tin khi bắt tay vào những công việc cụ thể, mặt khác còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng cẩn thận cảnh giác với những thông tin ngược chiều. Như vậy, các phương tiện thông tin đại chúng đã đóng vai trò là một kênh tham khảo về sự thật của vụ án cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
Tóm lại, hai phóng viên của báo Thanh Niên và báo Tuổi Trẻ đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của họ. Không có cơ sở nào để cho rằng "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" như quyết định khởi tố của Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an.
* Tin hai nhà báo chuyên viết về đấu tranh chống tham nhũng bị bắt có lẽ là tin sốc trong làng báo và những những bạn đọc của Tuổi Trẻ, Thanh Niên. Nhà báo Nguyễn Văn Hải (Tuổi Trẻ) và Nguyễn Việt Chiến (Thanh Niên) là hai cây bút mà những người làm nghề viết như tôi rất thích. Đó là những người anh em - đồng nghiệp của tôi mà tôi rất kính phục thông qua những bài viết, những lần “gặp nhau” trên trang báo Tuổi Trẻ,Thanh Niên - hai tờ báo mà tôi vẫn đọc hằng ngày.
Ngỡ ngàng với cái tin hai anh bị bắt vì sai phạm theo như khởi tố là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, một lý do mà tôi cảm thấy không thuyết phục nếu muốn ám chỉ việc hai nhà báo này có những bài viết sai, những chi tiết không đúng liên quan đến việc điều tra vụ PMU18!
Khi học về nghề báo, trong nhà trường tôi được học về những tai nạn nghề nghiệp, trong đó có những nguy hiểm khi đối mặt với cái xấu, cái ác. Nhưng có thể tôi chưa bao giờ nghĩ rằng khi đứng trước pháp luật nhà báo lại phải chịu những cảnh tréo ngoeo như thế.
Một nhà báo khi tác nghiệp có thể có những thông tin sai và cần được đóng góp, sửa chữa. Nhưng những sai sót đã được đính chính trên Tuổi Trẻ và Thanh Niên trong suốt quá trình điều tra vụ PMU18 không phải là những sai sót thuộc về “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Phải nhìn nhận thẳng vấn đề như thế để thấy rằng có thể việc khởi tố, bắt giam hai nhà báo giỏi, dám nói thẳng, chọc sâu vào những kẻ tham nhũng, nói lên được những điều nhân dân cần có thể là… một sự nhầm lẫn!
Một nhà báo với trách nhiệm phát ngôn thông tin và đi sâu, làm sáng tỏ những khuất tất trong cuộc sống, là người trực tiếp được công chúng, nhân dân giao cho việc giám sát các hoạt động của nhà nước, thực thi pháp luật. Thêm vào đó là lòng yêu nghề, nhiệt huyết với công việc nên đã sản sinh ra những nhà báo chân chính. Vậy mà hai nhà báo chân chính ấy của công chúng đã bị bắt vì đưa tin vụ PMU18.
Chúng ta không thể phủ nhận vai trò to lớn của báo chí trong việc chống tham nhũng, vạch lá tìm sâu để làm xã hội tốt hơn, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Trong vụ PMU18 có thể thấy được sự cố gắng ấy của báo chí và cụ thể là những người trực tiếp cầm bút “chĩa” vào những kẻ tham nhũng trong vụ này. Vậy mà hai trong số những nhà báo chân chính, đầy nghị lực và dũng cảm ấy lại bị bắt - điều này sẽ tạo ra tiền lệ không tốt cho những cây bút tham gia giám sát xã hội, “chọc” vào thế lực tham những, vào những vụ án tầm cỡ.
Chống tham nhũng là nhiệm vụ của toàn dân, trong đó vai trò khá lớn được giao cho báo chí và những nhà báo. Suy nghĩ ấy đã được tất cả những vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước lưu tâm, nhắn gửi đến những người làm công tác báo chí, truyền thông. Thế nhưng trước sự lập lờ, không rõ ràng của cơ quan điều tra khi tống đạt quyết định và bắt giam hai nhà báo trong ngày 12-5 vừa rồi dường như đã đi ngược lại mong muốn ấy.
Hành trình đi tìm công lý đôi khi vấp phải những chuyện như thế và cần phải được lên tiếng để chung tay vì sự công bằng. Tôi tin, dù các anh - đồng nghiệp của tôi đang gặp phải khó khăn, oan ức nhưng những đồng nghiệp và dư luận sẽ đấu tranh cùng các anh. Tôi muốn nhắn gửi đến các anh: hãy bình tỉnh, yên lòng vì những gì các anh đã làm là vì tình yêu nghề nghiệp và trên hết là trách nhiệm với công chúng, nhân dân…
* Khi đọc tin về việc hai nhà báo chuyên đấu tranh chống tham nhũng của báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên bị cơ quan an ninh điều tra khởi tố và bắt tạm giam chiều 12-5, chúng tôi không thể im lặng được nữa. Là những người được hưởng quyền công dân, chúng tôi cần được biết về tiến trình của vụ án. Nếu chúng tôi chỉ được nhận những cái tin như thế này mà không hề được biết, được bàn thì quyền “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” ở đâu?
Hai nhà báo của chúng tôi đã bị bắt vì bị cho rằng vi phạm điều 281 BLHS: “Đưa những thông tin sai sự thật về vụ án Bùi Quang Hưng và Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc; vụ án làm trái quy dịnh của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Đưa nhận hối lộ, tham ô tài sản của Ban quản lí dự án PMU18”.
Ai cũng biết đây là hai nhà báo đại diện cho công cuộc đấu tranh đẩy lùi tham nhũng. Tư cách của họ trong cuộc sống và trong công việc cũng đã chứng minh cho tinh thần tranh đấu hết mình ấy. Vậy chúng tôi cần được biết cụ thể họ đã đưa sai thông tin gì, sai như thế nào, việc bắt hai nhà báo đã có lệnh phê chuẩn của Viện Kiểm sát hay chưa?
Nếu không làm rõ những điều này thì những người đang làm tại cơ quan tư pháp của Nhà nước có liên quan đến vụ PMU18 đang và sẽ dấy lên một làn sóng dư luận đầy bức xúc.
Quá sức kỳ lạ - Quá sức ngỡ ngàng và phẫn nộ
* Tôi vô cùng bất bình trước tin hai nhà báo Chiến và Hải bị bắt, đây quả là việc không bình thường chút nào. Chúng tôi luôn tin vào tính nghiêm minh của luật pháp vậy mà một lần nữa lại thất vọng, hàng loạt những sai phạm trong vụ PMU18, hàng loạt những quan chức sai phạm sao không mạnh tay xử lý? Vậy thì tôi xin hỏi công bằng chưa? Văn minh chưa?
Đúng là đấu tranh chống tham nhũng là một con đường dài đầy chông gai và giang khổ, nhưng tôi vẫn luôn tin rằng cái xấu, cái ác dù có mạnh đến đâu cũng không bao giờ chiến thắng. Hai anh là những anh hùng, anh hùng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước khỏi bọn sâu mọt, tham nhũng. Chúng tôi luôn tin các anh, hãy mạnh mẽ lên, đừng chùng bước nha, trên đường hội nhập quốc tế đất nước chúng ta đang rất cần những người như các anh đó...
* Đã dấn thân vào sự nghiệp này, chắc hẳn các anh cũng đã chấp nhận đối đầu với các thế lực đen tối đang tác oai tác quái. Nhưng các anh hãy yên tâm vì xung quanh các anh còn có Đảng, có chúng tôi. Tôi tin rằng một ngày không xa, công lý sẽ được thực thi, bọn sâu dân mọt nước kia cho dù đang dùng nhiều chiêu thức để chạy chọt cũng sẽ phải chịu tội trước pháp luật.
* Tôi vừa được tin hai nhà báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên vừa bị bắt vì vụ PMU18. Tôi cảm thấy chấn động trong lòng như vụ động đất ở Trung quốc hôm qua. Tôi đang rất mong được giải thích nhiều hơn về việc ông Nguyễn Việt Tiến vô tội.
Có thể người dân như tôi, thông tin không được đầy đủ, cần được giải thích thêm về vụ việc này. Việc hai nhà báo bị bắt làm tôi thật sự sửng sờ. Hai nhà báo này nếu có sai phạm gì thì phải uốn nắn kịp thời chứ, để làm gì đến nay mới bắt. Tôi cũng đang chờ giải thích. Cả nước đang chống quốc nạn tham nhũng, đừng để lòng tin của người dân bình thường như tôi giảm nhiều.
Sao lại giết "Lục Vân Tiên"?
* Mở đầu ngày mới tôi thật sự ngỡ ngàng với tin hai nhà báo Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến bị bắt. Họ bị bắt với tội danh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Thật bất ngờ! Họ lợi dụng chức vụ quyền hạn để chiến đấu chống tham nhũng, không vụ lợi cá nhân. Gần đây, biết bao vụ án tham nhũng được phanh phui mà khởi nguồn từ những bài viết của báo chí, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của hai nhà báo đã bị bắt.
Tất nhiên trong quá trình điều tra viết bài của báo chí, không tránh khỏi đôi khi có những thông tin chưa thật chính xác, bởi báo chí không phải là một cơ quan chuyên về điều tra, xét hỏi. Hãy thử làm một sự liên tưởng rằng, nhà báo khi viết bài chống tham nhũng trong vô vàn thông tin đúng tạo dư luận tốt để phanh phui vụ án, có một vài thông tin chưa chính xác thì bị khởi tố, bị bắt giam, trong khi có biết bao vụ án phải trả hồ sơ điều tra lại, biết bao phiên tòa xét xử mà án xử sau đó không cùng kết quả với án xử ban đầu, đã có ai bị khởi tố, bị bắt giam?
Tất nhiên so sánh nào cũng đều là khập khiễng, nhưng những người dân chúng tôi luôn xem những nhà báo chống tham nhũng là những "Lục Vân Tiên" của thời hiện đại. Nhờ có họ xã hội mới tốt đẹp thêm lên, nhờ có họ mà bọn sâu mọt hại dân hại nước bớt lộng hành. Tại sao lại đi giết "Lục Vân Tiên" và làm chùn bước của nhiều "Lục Vân Tiên" khác?
Nhà báo Bùi Thanh có viết: "Ai ở hậu trường của vụ án này mới hiểu hết sự kỳ lạ và phức tạp của nó. Ai đó đã đúng khi nói rằng công lý dường như bị nhạo báng qua vụ án này và nhà báo đã trở thành nạn nhân". Đọc những dòng chữ này sao thấy băn khoăn. Hậu trường vụ án đang xảy ra chuyện gì? Tại sao công lý bị nhạo báng? Một loạt câu hỏi chưa lời đáp mong sớm được làm sáng tỏ để "Lục Vân Tiền" không giết chết "Lục Vân Tiên".
* Đọc thông tin nhà báo Nguyễn Văn Hải và nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ, tôi có cảm giác thật bất ổn. Tôi tự hỏi phải chăng đã có điều gì không bình thường, suy nghĩ đó không chỉ xuất hiện hôm nay mà ngay khi báo chí đưa tin một số nhân vật của vụ án PMU18 đã được tại ngọai.
Tôi là một cán bộ Đoàn, một Đảng viên làm việc trong ngành xây dựng giao thông. Khi vụ án PMU18 xảy ra thật sự tôi không cảm thấy bất ngờ, chỉ có điều mỉa mai là sự việc được khui ra từ một chuyện dường như chẳng liên quan là "đánh bạc".
Ngoài vai trò của các cơ quan điều tra thì tôi thấy báo chí có một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay bởi rất nhiều vụ án tham nhũng đã được đưa ra ánh sáng nhờ báo chí lên tiếng. Báo Tuổi Trẻ là một tờ báo rất được độc giả quan tâm, nhất là mảng chính trị xã hội. Để có được những bài phóng sự điều tra chân thực và góp tiếng nói cho công lý thì các phóng viên thực sự là một người chiến sĩ trong cuộc chiến chống lại cái xấu.
Tôi chưa bao giờ tiếp xúc với phóng viên N.V.Hải, nhưng những gì anh làm cũng đã thể hiện được bản lĩnh của người phóng viên trong cuộc chiến chống tham nhũng này, tôi tin rằng nếu đó là một người mà ngòi bút thật sự "thẳng" thì chắc chắn công luận sẽ đứng về phía các anh để đấu tranh trong cuộc chiến này. Báo Tuổi Trẻ hãy thông tin kịp thời diễn biến sự việc đến với độc giả chúng tôi.
* Tin "Hai nhà báo chuyên viết đấu tranh chống tham nhũng bị bắt" là một cơn địa chấn về tinh thần đối với tôi. Cơn địa chấn này làm "rung chuyển" cái mà chúng ta không thể thiếu để sống trong xã hội, đó là niềm tin.
Phải chăng sự nghiêm minh, quyết liệt của chính phủ trong đấu tranh chống tham nhũng là "bắt tội" những người đã đấu tranh chống tham nhũng để rồi sẽ không còn ai dám chống tham nhũng nữa? Công lý đang ở đâu khi những người viết đấu tranh chống tham nhũng bị bắt? Bình tâm lại! Chắc là những cơ quan thực thi pháp luật đã có những lý lẽ để thực hiện công việc tạm bắt giữ. Việc tạm bắt giữ những "nghi can" cũng là việc bình thường của cơ quan điều tra. Hơn thế nữa, cơ quan của các nhà báo chắc chắn cũng đã có những biện pháp để bảo vệ những đồng nghiệp kiên cường, những công dân đã dũng cảm sống đúng với trách nhiệm công dân của mình.
Và chúng tôi những công dân khao khát công bằng, lẽ phải, những bạn đọc đã đặt niềm tin vào những người làm báo chân chính, những tờ báo dám nói tiếng nói của công bằng, của lẽ phải sẽ theo dõi và làm tất cả những gì có thể làm để những giá trị mà xã hội chúng ta theo đuổi như công bằng, dân chủ thực sự tồn tại trong cuộc sống.
* Nhà báo vì lí do nào đó đưa tin không chính xác về một vụ việc có nên bắt giam hay không? Theo chúng tôi cần cân nhắc kĩ. Trong nhiều vụ án lớn ở ta lâu nay, ai cũng biết, sẽ đụng chạm rất lớn đến các nhóm lợi ích. Đụng đến người giàu và có chức vụ càng cao, mức độ nguy hiểm càng lớn. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu nhà báo đưa tin sai vì động cơ cá nhân (tư thù, ăn hối lộ...) thì bắt giam là đương nhiên. Nhưng nếu chỉ do họ nhận được nguồn tin không chính xác thì cần sự bao dung. Những kẻ chi sai, dùng sai... hàng ngàn tỉ đồng, cướp đi miếng cơm manh áo hàng triệu sinh linh cũng chỉ bị “nghiêm túc rút kinh nghiệm”, hà cớ gì “đá rắn” với các nhà báo chân chính?
Nếu chúng ta cứ áp dụng phương pháp "buộc cả hai đầu", hệ lụy sẽ là, chẳng còn ai dám nói. "Im lặng là vàng". Ta không thể chống được tham nhũng, hối lộ cũng chỉ vì thế. Kẻ muốn nhận hối lộ thừa thông minh để đưa dân lành vào chỗ buộc phải đưa hối lộ mới xong việc. Bọn họ là khởi nguồn tội lỗi. Họ dám tự tin bời vì, họ đã thao túng được pháp luật, xử kẻ đưa và nhận hối lộ như nhau. Vậy là, chỉ còn các "Anh hùng dân tộc" mới dám hi sinh để tiêu diệt bọn đòi hối lộ. 99,999% dân lành đành nhẫn nhịn đi cho xong. Đương nhiên, hệ lụy pháp luật của ta là nuôi dưỡng tham nhũng. Vụ “bắt giam các nhà báo chống tham nhũng” có lẽ là thắng lợi công khai và ngoạn mục nhất của lực lượng “ảo”.
Các anh hãy đứng vững
* Chúng tôi xin có lời an ủi gia đình của cả hai nhà báo đang bị tạm giam vì việc PMU18, chúng ta nên tin vào công lý và cả công chúng. Chúng tôi ủng hộ việc các anh đã dũng cảm đấu tranh cho sự thật, các anh hãy tiếp tục dũng cảm. Không việc gì che mắt được công chúng. Chúng tôi mong mọi việc sẽ mau chóng được sáng tỏ để có sự công bằng cho các anh. Chúc các anh chiến thắng để tiếp tục con đường đấu tranh cho công lý và moi thêm nhiều cái làm nghèo đất nước thân yêu của chúng ta.
* Tôi sửng sốt khi biết tin hai nhà báo bị bắt. Tôi biết Nguyễn Văn Hải đã chục năm nay trong một lần Hải đội mưa, bão đến Thái Nguyên tác nghiệp. Hình ảnh một nhà báo trẻ, không ngại khổ, ngại khó đã để lại ấn tượng tốt trong tôi. Nhiều lần sau đó, có dịp tiếp xúc với Hải mới thấy Hải là người say mê công việc vô cùng. Hình ảnh Hải ngồi trước chiếc máy vi tính xách tay theo dõi kỳ họp Quốc hội chăm chú, rồi khi đến giờ giải lao, nhiều nhà báo khác ung dung uống bia, chuyện phiếm thì Hải lại xông đi phỏng vấn ở hành lang.
Năm ấy, trên Thái Nguyên có vụ nổ lớn, tôi ở Hà Nội vừa biết thông tin thì Hải đã gọi điện và cho biết đang trên đường đi Thái Nguyên, mặc dù lúc đó là gần 12 giờ đêm. Tiếp xúc với Hải , tôi hiểu con người này có đạo đức nghề nghiệp, dám làm vì lẽ phải. Vậy mà Hải bị bắt? Sai hay đúng, thời gian sẽ trả lời. Nhưng tôi nghĩ Hội Nhà báo, báo Tuổi Trẻ và các đồng nghiệp không để Hải đơn độc. Hãy làm việc gì đó đi cho Hải và cho chính chúng ta nữa, nếu như chúng ta muốn ngòi bút thực sự là vũ khí sắc bén của Đảng, của Dân.
* Là một độc giả thường xuyên của TUỔI TRẺ, tôi thành thật chia sẻ nỗi mất mát về tinh thần cùng quý báo và gia đình PV Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến. Theo tôi, nếu có công thì thưởng, có tội thì trừng theo hiến pháp và pháp luật. Chúng ta không nên chùn bước và giảm ý chí trước những sự việc đã xãy ra mà hãy tiếp tục tiên phong trên mặt trận chống tham nhũng như lời của tướng Bốn đã khuyên.
Đặc biệt là hãy tìm ra những luận chứng, nhân chứng cụ thể để bảo vệ cho 02 đồng nghiệp của chúng ta - NHỮNG NGƯỜI LÀM BÁO - một cách chính đáng. Hãy thanh minh cho họ bằng những chứng cứ hùng hồn nhất cùng sự hổ trợ của HNB.VN để hai người anh em ấy được tận hưởng Ngày Báo chí Cách Mạng Việt Nam - 21.6.2008 - hạnh phúc tuyệt vời nhất trong lòng toà soạn, bên cạnh đồng nghiệp và người thân.
* Tôi hiện đang là một phóng viên tại một tờ báo nhỏ của Hà Nội. Cách đây 4 năm, khi còn là sinh viên năm cuối của khoa báo, trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, tôi đã may mắn được về thực tập tại Văn phòng đại diện tại Hà Nội của báo Tuổi Trẻ. Khi đó, anh Xuân Trung làm trưởng văn phòng đại diện, anh Hải là phóng viên nội chính. Qua một vài lần tiếp xúc, tôi thấy anh Hải luôn là một người chín chắn, nhiệt huyết, luôn giúp đỡ các sinh viên thực tập và có trách nhiệm Một người như anh Hải, công tác lâu năm tại một tờ báo như Tuổi Trẻ chắc chắn không phải là một người có trình độ chuyên môn kém, có bản lĩnh chính trị không vững vàng. Vì vậy tôi tin anh Hải không phải là người cố ý làm trái các quy định của pháp luật. Một người như anh Hải chắc chắn chỉ mong muốn mang lại cho bạn đọc những thông tin mới nhất về những vấn đề bạn đọc quan tâm.
* Hai nhà báo chân chính, hai chiến sĩ quả cảm bị bắt mà đằng sau còn nhiều khuất tất. Tôi, một sinh viên Việt Nam chuẩn bị buớc vào đời không khỏi tránh khỏi những suy nghĩ trăn trở về tuơng lai, về vận mệnh của mình. Thời gian gần đây, nhiều sự việc xảy ra trong mọi lĩnh vực như xã hội, kinh tế, thể thao khiến dư luận quan tâm và đau lòng rất nhiều. Đặc biệt, chúng tác động trực tiếp vào tầng lớp trẻ chúng tôi. Nhưng bao giờ chúng tôi cũng mang một niềm tin vì luôn có những Lục Vân Tiên đứng ra lên tiếng, hành động vì công lý.
Hôm nay, đuợc tin những con nguời mà chúng tôi mến phục ấy bị gặp hoạ mà chưa rõ trắng đen, lòng tôi cảm thấy nôn nao vô cùng. Liệu chúng tôi có đuợc sống, làm việc bình an, đem sức mình xây dựng đất nuớc hay không khi mà đất nuớc nhan nhản những thách thức, tiêu cực.. Một hệ lụy mà tôi có thể tuởng tuợng ra, một khi nguời ta không còn niềm tin vào công lý, họ sẽ hành động trở lại theo bản năng, cố gắng vun vén lợi ích cho mình, mặc kệ mọi thứ diễn ra xung quanh, khi ấy đất nuớc sẽ đi về đâu. Xin cảm ơn hai nhà báo, hai chiến sĩ cầm bút. Các anh đã chiến đấu vì chúng tôi.
* Trong một lần giao lưu với bạn đọc tại Đồng Nai của báo Tuổi Trẻ cách đây hơn 10 năm, môt bạn đọc có hỏi một nhà báo trẻ rằng trong cuộc chiến chống tham nhũng và cái ác mang lại công bằng văn minh cho xã hội sẽ có lúc chúng ta chiến thắng và lúc thua. Vậy có bao giờ nhà báo thua và chùn bước?. Đây là một câu hỏi khó nhưng cuối cùng thì nhà báo trả lời rằng cái thiện và công lý luôn c
Nhóm PV VPHN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét