Vụ án Hồ Duy Hải: từ chối kháng nghị là vi phạm quyền con người
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm.
Nhiều thành viên đoàn giám sát đã đề xuất kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải giết 2 nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi (Long An) năm 2008. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, người dành nhiều công sức nghiên cứu vụ trọng án này, cho rằng có nhiều căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm theo điều 273 của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Bà Nga cho biết điều 273 của Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định đối với 1 vụ án, chỉ cần 1 trong 4 căn cứ: có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra; việc điều tra, xét hỏi tại phiên tòa không đầy đủ, không làm rõ được những mâu thuẫn trong vụ án; kết luận trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án; có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ Luật Hình sự là đủ điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm.
“Vụ Hồ Duy Hải có đầy đủ cả 4 căn cứ trên. Với tư cách phó đoàn giám sát và đại biểu QH, tôi đã gửi kiến nghị đến Chủ tịch nước về vụ này. Quan điểm là xem lại 2 bản án kết tội Hồ Duy Hải có đủ căn cứ không?” - bà Nga cương quyết.
Tuy nhiên trong phiên họp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã cho rằng “không có căn cứ để kháng nghị”. Ông Bình còn cho rằng đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Bất ngờ hơn là phó Chánh án tối cao Nguyễn Sơn gián tiếp cho biết bà Lê Thị Nga nói không đúng sự thật.
Ông Nguyễn Sơn khẳng định:
“Về cơ bản hôm vừa rồi tại cuộc họp về báo cáo giám sát do Ủy ban Tư pháp tổ chức, chúng tôi đã nghe và thống nhất với nhau tinh thần chung đối với Hồ Duy Hải là không oan”.
Ông Sơn cho rằng Hồ Duy Hải đúng là giết 2 người, nhưng trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có một số vi phạm về vấn đề thu, giữ chứng cứ, tài liệu chứng cứ, thu thập chứng cứ.
Vì sao lại công khai vi phạm quyền con người?
Tại phiên Rà soát định kỳ Phổ quát về quyền con người (Universal Periodic Review - UPR) chu kỳ II về tình hình thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và tự do cơ bản tại Việt Nam trong khuôn khổ Khoá họp lần thứ 18 Nhóm làm việc về UPR của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc ngày 05-02-2014, trong bài phát biểu của mình,
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc đã khẳng định:
“Một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua cũng như trong thời gian tới là đẩy mạnh việc kiện toàn hệ thống pháp luật, chính sách và thể chế về đảm bảo quyền con người, xây dựng Nhà nước pháp quyền, đảm bảo sự thụ hưởng ngày càng đầy đủ hơn các quyền và tự do cơ bản của người dân.
Việt Nam đã ban hành và tích cực triển khai Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng một nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, từng bước hiện đại, phục vụ phát triển đất nước và bảo vệ nhân dân”.
“Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (tiếng Anh: International Covenant on Civil and Political Rights, viết tắt: ICCPR), khoản 5 Điều 14 ICCPR quy định: “Bất kỳ người nào bị kết án là phạm tội đều có quyền yêu cầu tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình theo quy định của pháp luật”.
Trong Bình luận chung số 13 Phiên họp thứ 21 năm 1984, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (tiếng Anh: Human Rights Committee) cũng giải thích thêm rằng người bị kết án là phạm tội có quyền yêu cầu tòa án cấp cao hơn xem xét lại bản án và hình phạt đối với mình cần được áp dụng với mọi trường hợp phạm tội chứ không chỉ với những trường hợp phạm tội nghiêm trọng.
Trong pháp luật Việt Nam, việc xét xử của tòa án thực hiện chế độ hai cấp xét xử, đó là: Bản án, quyết định sơ thẩm của Toà án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của luật tố tụng; các bản án, quyết định sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị trong thời hạn do luật định thì có hiệu lực pháp luật.
Đối với bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị thì vụ án phải được xét xử phúc thẩm. Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật.
Đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Mặc dù nhìn nhận quá trình điều tra vụ án Hồ Duy Hải có nhiều sai sót về mặt tố tụng, song ông Trương Hòa Bình và ông Nguyễn Hòa Bình đều từ chối kháng nghị theo thủ tục giám đốc, không chỉ là vi phạm Điều 272 Bộ luật tố tụng hình sự 2003, mà còn là vi phạm vào “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị”, mà Việt Nam gia nhập vào Công ước này ngày 24/9/1982.
Có thể tái thẩm
Vụ án Hồ Duy Hải còn có thể xem xét theo trình tự tái thẩm.
Từng là sĩ quan công an, nhà báo Đỗ Vinh của Sài Gòn Báo sẽ có bài viết phân tích các yếu tố dùng căn cứ cho Cục Điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị xem xét vụ án Hồ Duy Hải theo thủ tục kháng nghị tái thẩm.
Đỗ Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét