Mỹ bắn tiếng thách đố chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông
WASHINGTON, DC (NV) – Hải Quân Mỹ và Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương muốn tăng thêm những chuyến tuần tra tự do hải hành và phi hành trên khu vực Biển Đông để thách đố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Navy Times, tờ báo của Hải Quân Mỹ, thuật lời một số sĩ quan Hải Quân nhưng không nêu danh tính cho hay như vậy về một chương trình hành động đang được chuẩn bị thi hành.
Theo dự trù, đội tàu đặc nhiệm với hàng không mẫu hạm Carl Vinson (căn cứ tại San Diego, California) đang đi trên biển Thái Bình Dương và hướng về Biển Đông.
Theo nguồn tin vừa kể, kế hoạch của Mỹ là nhiều phần sẽ cho tàu chạy vào bên trong phạm vi 12 hải lý của những đảo nhân tạo mới bồi đắp ở Trường Sa và các đảo mới được bồi đắp mở rộng ở Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trong khi Mỹ vẫn coi là các vùng biển quốc tế dù đang có tranh chấp giữa Bắc Kinh và các nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam.
Nếu việc này diễn ra trong những ngày sắp tới, thách đố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông trong cái “Lưỡi Bò” mà đặc biệt khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chắc chắn sẽ không tránh khỏi gia tăng căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington.
Theo tờ Navy Times, kế hoạch này đang được thực hiện trong chuỗi hệ thống chỉ huy để Tổng Thống Donald Trump chấp thuận. Hiện bây giờ người ta vẫn còn đang có nhiều dấu hỏi về chính sách thực sự của tân tổng thống Mỹ đối với Châu Á.
Mấy năm qua, chính quyền Tổng Thống Barack Obama giới hạn chặt chẽ các hoạt động của Hải Quân ở những khu vực có tranh chấp trên Biển Đông. Năm ngoái, tin tức xì ra cho biết các tướng lãnh Mỹ muốn thách đố một cách mạnh mẽ hành động bá quyền bành trướng của Bắc Kinh nhưng không được chấp thuận.
Nay những không ảnh do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS) trưng ra cho thấy các pháo đài bố trí cao xạ và hỏa tiễn phòng không đã hoàn tất trên các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng ở quần đảo Trường Sa bên cạnh các phi đạo và các nhà chứa máy bay, đài radar, hệ thống truyền tin vệ tinh.
Cuối Tháng Giêng, 2016, khu trục hạm USS Curtis Wilbur đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Tri Tôn, đảo cực Nam quần đảo Hoàng Sa (hiện bị Trung Quốc chiếm đóng và Việt Nam vẫn tuyên bố chủ quyền). Ngay sau đó, Bắc Kinh chuyển hai giàn hỏa tiễn phòng không tầm xa HQ-9 đến trấn tại đảo Phú Lâm như một cách đe dọa.
Các tướng lãnh Hải Quân Mỹ tin rằng các chuyến tuần tra tự do hải hành và phi hành trên Biển Đông sẽ giúp làm rõ thêm quyền sử dụng các khu vực biển và không phận quốc tế, đồng giời, giúp gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.
Bà Bonnie Glacer, một phân tích gia và giám đốc dự án nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc của CSIS, nói với báo Navy Times trong một cuộc phỏng vấn rằng chính phủ của ông Trump “phải quyết định muốn đạt điều gì.”
Bà cho biết, bà “không tin có thể ép được Bắc Kinh rút khỏi các đảo nhân tạo. Tuy nhiên, Mỹ có thể phát triển một chiến lược nhằm ngăn chặn các hành động bồi đắp đảo nhân tạo khác, ngăn chặn quân sự hóa cũng như ngăn cản Trung Quốc dùng các cơ sở quân sự mới để de dọa và ép buộc các nước láng giềng.”
Tin về các hành động quân sự “tự do hải hành và phi hành” đang được chuẩn bị trong năm 2017 có vẻ trùng hợp với tin do báo chí Nhật tiết lộ về các cuộc họp kín của tân Bộ Trưởng Quốc Phòng James Mattis của Mỹ hai tuần trước trong chuyến công du Châu Á của ông. Tại Tokyo, ông cam đoan với các giới chức Nhật rằng lực lượng Mỹ sẽ theo đuổi hướng cư xử mạnh bạo hơn với Trung Quốc trên Biển Đông.
Hiện người ta không biết đến bao giờ thì đội tàu đặc nhiệm với hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Biển Đông. Ngoài ra, còn có hai khu trục hạm USS Wayne E. Meyer và USS Michael Murphy, và tuần dương hạm USS Lake Champlain đi hộ tống hàng không mẫu hạm này.
Trong cuộc điều trần ở Quốc Hội Mỹ để trở thành ngoại trưởng, ông Rex Tillerson đã làm Bắc Kinh tức giận khi ông cho rằng nên cấm Trung Quốc tiếp cận các đảo mà họ chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông. Ông còn ví những hành động của Trung Quốc giống như Nga cướp khu vực Crimea của Ukraine.
Tuy nhiên, trong một văn bản trả lời chất vấn sau đó, ông giải thích nhẹ nhàng hơn khi cho việc ngăn chặn đó chỉ xảy ra khi biện pháp ngoại giao không có kết quả. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét