Hệ thống pháp luật hiện hành không bảo vệ được quyền khởi kiện hợp pháp của người dân:
Sự kiện Công ty Formosa có trụ sở ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gây ra thảm họa môi trường biển miền Trung, Việt Nam vào tháng 04/2016. Nó đã làm thiệt hại trực tiếp, vô cùng lớn và lâu dài về vật chất, tinh thần cho người dân ở các tỉnh miền Trung.
Theo quy định của Điều 4, Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì người dân có quyền khởi kiện Công ty Formosa ra Tòa án để đòi bồi thường thiệt hại.
“Điều 4. Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do Bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
2. Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định.”
Căn cứ vào pháp luật, khoảng cuối tháng 9 năm 2016, người dân ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đã nộp 506 đơn khởi kiện Công ty Formosa ra Tòa án thị xã Kỳ Anh để yêu cầu Tòa án giải quyết nhưng sau đó ngày 05/10/2016, Tòa án trả lại đơn với lý do: Ngày 29/09/2016, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1880/QĐ-TTg, trong đó không xác định tỉnh Nghệ An nằm trong diện bị thiệt hại môi trường biển. Đây là một quyết định hành chính không đúng với thực tế và can thiệp trái pháp luật vào quan hệ dân sự.
Tiếp theo, ngày 14/02/2017, hàng trăm người dân Giáo xứ Song Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An lại đi đến Tòa án thị xã Kỳ Anh để nộp đơn khởi kiện Công ty Formosa thì bị Công an dùng vũ lực ngăn chặn. Hành vi này, trách nhiệm cuối cùng là thuộc về Thủ tướng, người đứng đầu Chính phủ. Trong khi Điều 96, Hiến pháp năm 2013, quy định Chính phủ có trách nhiệm tổ chức thi hành luật, bao hàm việc phải bảo đảm quyền khởi kiện hợp pháp của người dân.
“Điều 96.
Chính phủ có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước;”
Như trên đã nêu, quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ tướng có thể bị kiện ra Tòa án nhưng Luật tố tụng hành chính 2015, quy định Tòa án chỉ có thẩm quyền thụ lý vụ án cao nhất là đến cấp bộ.
“Điều 32. Thẩm quyền của Tòa án cấp tỉnh
Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những khiếu kiện sau đây:
1. Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền trong cơ quan đó mà người khởi kiện có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án; trường hợp người khởi kiện không có nơi cư trú, nơi làm việc hoặc trụ sở trên lãnh thổ Việt Nam thì thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nơi cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định hành chính, có hành vi hành chính.”
Như vậy, hệ thống pháp luật hiện hành không bảo vệ được quyền khởi kiện hợp pháp của người dân.
Hà Nội, ngày 15/02/2017.
Luật sư Hà Huy Sơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét