Tháng trước khi dạy học ở Trung Quốc, tôi thấy một điều không ngờ: Việc đóng cửa một số xưởng chế tạo của các công ty ngoại quốc ở Thượng Hải và Thẩm Quyến.
Theo báo chí địa phương, khi chi phí vận hành tăng lên, GE chuyển sản xuất máy móc đun nước, máy giặt, mày sấy quần áo và máy phát điện về Mĩ. Các công ti khác như NCR, Caterpillar, và Ford cũng chuyển một số việc chế tạo về Mĩ. Lí do: Lương công nhân và chi phí vận chuyển tại đây đã tăng lên trong khi các robots ở Mĩ làm việc nhanh hơn, tốt hơn và rẻ hơn. Báo chí Trung Quốc kết luận: "Tự động Hóa" bằng Robots đã lấy đi mất của Trung Quốc một nguồn lợi vĩ dại. Mặc dầu chi phí và "Tự động Hóa" được được nêu ra là lí do chính, một nhân viên quản lí cấp cao nói với tôi “chất lượng” và thời gian sản xuất chậm trễ mới là vấn đề khiến cho "Trung tâm sản xuất của thế giới" (Trung Quốc) đang đi vào hồi kết thúc.
Vì tôi ở cùng khách sạn với một vài người quản lí lo việc động cửa xưởng máy nên tôi có cơ hội nói chuyện với họ. Thomas K. người quản lí cấp cao của một công ty sản xuất bo mạch điện tử giải thích: “Chất lượng sản phẩm ở đây không nhất quán, lúc đầu thì tốt nhưng về sau càng ngày càng kém đi. Chúng tôi phải thuê người giám định chất lượng ở Mĩ để kiểm tra sản phẩm của họ. Năm ngoái, chúng tôi phải gửi trả lại rất nhiều thứ với chất lượng rất kém, không những tốn kém mà còn làm mất danh tiếng của công ty chúng tôi. Chúng tôi đã bỏ ra biết bao thời gian đào tạo công nhân nhưng kinh doanh tại đây chỉ làm những gì có lợi cho họ, bất kể chất lượng. Họ đánh lừa kiểm tra để lấy được giấy xuất khẩu và thu được tiền chứ không quan tâm đến khách hàng. Trong kinh doanh điện tử, mọi thứ phải có chất lượng cao. Chúng tôi khám phá phần lớn sản phẩm làm tại đây đều có chất lượng thấp như cáp được hàn kém, đầu nối hỏng, vành bị rách gắn vào theo cách chắp nối. Chúng tôi phải loại bỏ rất nhiều sản phẩm bo mạch điện tử trị giá hàng triệu đô la. Chúng tôi mở xưởng bên này để lấy ưu thế lao động rẻ nhưng nếu tính chi phí toàn bộ sản xuất, gửi hàng, chất lượng và thời gian chuyển giao thì đây là một sai lầm rất lớn. Đó là lí do tại sao chúng tôi quyết định đóng cửa xưởng máy, dọn về San Jose, và trên tám nghìn công nhân bị sa thải tại đây.”
Charles D. một người quản lí khác từ Anh bảo: “ Việc làm tại đây bao giờ cũng trễ hạn, người nước này không biết giờ giấc lịch biểu là gì. Chúng tôi phải dự trữ hơn $4 triệu đô la hàng hoá trong kho trong trường hợp chậm trễ. Nếu chất lượng sản phẩm kém, chúng tôi phải gửi trở lại. Tất nhiên, điều đó có nghĩa là tranh cãi, kiện tụng trước khi có thể thay thế sản phẩm. Sau ba năm khoán ngoài chúng tôi biết rằng khó mà có thể tiếp tục làm thương mại tại đây được nên đem mọi thứ trở về Manchester.” Tôi hỏi: “Vậy bao nhiêu người ở đây mất việc?” Charles lắc đầu: “Có lẽ vài nghìn người. Chúng tôi thuê quãng năm nghìn người nhưng một số có thể kiếm được việc làm ở xưởng khác?”
Mike Downey, một người quản lí khác đi vào chi tiết hơn: “Phần lớn sản phẩm của chúng tôi đều theo thời vụ. Chúng tôi bán vào dịp lễ Giáng sinh nên chúng tôi đặt hàng ít nhất là một năm trước để khớp với lịch sản xuất và kế hoạch gửi hàng. Chúng tôi nghiên cứu thị trường để dự báo trước nhu cầu, khối lượng hàng trước khi sản phẩm được chế tạo ở đây. Chúng tôi đầu tư hàng triệu đô la để xây dựng nhà máy chế tạo ở đây. Tất nhiên, chúng tôi bị “khoá vào” đây nếu mọi sự không làm việc tương ứng thì sẽ có vấn đề rắc rối. Vài năm trước, sản phẩm bị chậm, chúng tôi không nhận được mãi cho tới vài hôm trước lễ Giáng Sinh, chúng tôi thiệt hại mất vài triệu đô la. Năm khác, chất lượng tồi tệ và chúng tôi mất thêm nhiều triệu đô la khác. Năm ngoái, chúng tôi thấy nhiều “hàng giả” cạnh tranh với sản phẩm “bán chạy nhất” của chúng tôi. Việc điều tra tiết lộ rằng chúng đều tới từ Trung Quốc. Sau khi chúng tôi đầu tư và đào tạo cho họ cách xây dựng các sản phẩm này, họ tận dụng ưu thế và tạo ra hàng giả để cạnh tranh với chúng tôi. Không có luật sở hữu trí tuệ, hàng giả là một cách làm kinh doanh rất lớn ở xứ này. Cuối cùng, chúng tôi đành phải đóng cửa nhà máy chế tạo, đem mọi thứ trở về Mĩ . Đó là tổn thất lớn nhưng chúng tôi học được nhiều về khoán ngoài.”
Trong vòng ba mươi năm qua, khoán ngoài (Outsourcing) là kinh doanh lớn nhất của Trung Quốc mang lại việc làm cho hàng chục triệu người. Xuất khẩu sản phẩm là nguồn lợi chính đóng góp cho sự phát triển kinh tế nước này. Gần như mọi công ti trên thế giới đều có kế hoạch dịch chuyển cơ xưởng sản xuất sang các nước có chi phí thấp như Trung Quốc. Nhưng gần đây, thất vọng với việc chi phí gia tăng, chất lượng thấp, và tệ nạn “hàng giả” tràn lan đồng thời với việc phát triển của "Tự động Hóa" bằng robots, mọi việc đã đảo ngược. Một số lớn công ty đã dich chuyển cơ xưởng về nước vì chi phí vận hành Robots thấp hơn, chất lượng cao hơn và dễ kiểm soát hơn.
Báo chí Trung Quốc lên tiếng cảnh báo về việc các công ti nước ngoài bắt đầu “kéo ra”, nhiều nhà máy chế tạo đóng cửa, hàng triệu công nhân mất việc làm và không có hi vọng nào cho tương lai. Khi tình trạng thất nghiệp gia tăng khắp nơi, chính phủ sẽ gặp khó khăn đối phó với những người bất mãn này. Tình huống này có thể dẫn tới khủng hoảng kinh tế nếu việc đóng cửa nhà máy tiếp tục.
Toàn cầu hoá có thể mở ra cơ hội kinh doanh nhanh chóng và giúp cho sự phát triển kinh tế NHƯNG nó cũng có thể thay đổi rất nhanh khi công nghệ thay đổi, thị trường thay đổi. KHÔNG một quốc gia nào có thể tuỳ thuộc vào các “yếu tố bên ngoài” mãi được. Một quốc gia phải biết trông vào thực lực bên trong, phải đào tạo những người có thể đóng góp và phát triển kinh tế bằng chính khả năng của mình. Do đó việc giáo dục và đào tạo là giải pháp duy nhất mà tất cả các quốc gia phải có trong thời đại cạnh tranh này.
Jon Vu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét