Trung Quốc có thể trở thành 'côn đồ quốc tế'
Thursday, February 18, 2016 3:00:25 PM
WASHINGTON (NV) - Cả đại diện Hoa Kỳ lẫn đại diện Liên Hiệp Châu Âu cùng cho rằng, Trung Quốc cần phải tôn trọng phán quyết về biển Ðông.
Theo dự kiến, khoảng giữa năm nay, Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố phán quyết phân xử vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông.
Tổng thống Mỹ và nguyên thủ các quốc gia ASEAN tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN ở California. Sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế có thể biến Trung Quốc thành “côn đồ quốc tế.” (Hình: Desert Sun)
Trong vụ kiện vừa kể, Trung Quốc từ chối đáp ứng tất cả các yêu cầu của Tòa với lý do Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc vô năng, đồng thời nhấn mạnh sẽ không chấp nhận phán quyết của cơ quan tài phán này.
Mới đây, tại một cuộc thảo luận vừa diễn ra ở Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (CSIS), bà Amy Searight, phó phụ tá đặc trách Nam Á và Ðông Nam Á của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, nhấn mạnh, không chỉ Hoa Kỳ mà cả Liên Hiệp Châu Âu, Úc, Nhật, Nam Hàn nên ủng hộ tính chất ràng buộc của phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố.
Bà Searight nhấn mạnh, cần phải chứng tỏ cho Trung Quốc thấy rằng, nếu không tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc sẽ phải “trả giá” và cộng đồng quốc tế sẽ bắt Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về điều đó.
Phó phụ tá đặc trách Nam Á và Ðông Nam Á của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ cho rằng, tuy việc Trung Quốc phủ nhận giá trị của phán quyết từ Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sẽ khiến uy tín của Trung Quốc bị tổn hại nhưng chừng đó chưa đủ, bà đề nghị cộng đồng quốc tế cần phải suy nghĩ đến những phương thức cụ thể về việc buộc Trung Quốc phải “trả giá.”
Ông Klaus Botzet, người phụ trách bộ phận chính trị của phái đoàn Liên Hiệp Châu Âu tại Hoa Kỳ, đồng ý rằng cần làm như thế. Việc đồng lòng hậu thuẫn cho phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sẽ là một thông điệp mạnh mẽ, khó mà coi thường. Ông Botzet vừa nhấn mạnh rằng, Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ nỗ lực bảo đảm thực thi luật pháp quốc tế ở Châu Á của Hoa Kỳ, vừa cảnh báo Trung Quốc không nên chống lại dư luận thế giới. Sự thống nhất về mặt dư luận sẽ là “vấn đề.”
Cách nay vài ngày, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, tổng thống Hoa Kỳ đã đề nghị nguyên thủ mười quốc gia ASEAN xác định phản ứng chung khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại biển Ðông.
Sau đó, bốn trong số 17 nguyên tắc chung mà Hoa Kỳ và nguyên thủ mười quốc gia thuộc khối ASEAN đề ra trong Tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN, nhấn mạnh đến yêu cầu phải tôn trọng và thực thi luật pháp quốc tế.
Dẫu tuyên bố chung không đề cập đến Trung Quốc nhưng cả bốn nguyên tắc vừa đề cập được xem như trực tiếp nhắm vào Trung Quốc. Ðó là phải tôn trọng độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự bình đẳng của tất cả các quốc gia theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, Hiến Chương ASEAN. Phải giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp ôn hòa, tôn trọng các tiến trình ngoại giao, pháp lý mà luật pháp quốc tế đã đề ra. Phải bảo đảm an ninh-an toàn hàng hải, không cản trở quyền tự do lưu thông, phi quân sự hóa và phải tự kiềm chế trong tất cả các hoạt động có liên quan đến những quốc gia khác. Ngoài ra Hoa Kỳ và các thành viên ASEAN còn cam kết thúc đẩy sự hợp tác để cùng giải quyết các thách thức chung liên quan tới biển.
Nếu có một đồng thuận rộng rãi rằng sẽ ủng hộ vô điều kiện kiện phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, việc Trung Quốc tiếp tục phủ nhận cả vai trò lẫn thẩm quyền của Tòa này sẽ đẩy Trung Quốc rơi vào thế mà ông Ernest Bower, chuyên gia thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế của Hoa Kỳ, ví von là “côn đồ quốc tế.” (G.Ð)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét