Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2016

Bọn côn đồ gớm ghiếc cai trị Việt nam !

BỌN CÔN ĐỒ GỚM GHIẾC CAI TRỊ VIỆT NAM
#
"...Nó có thể trông giống như một vùng đất sơ khai của tư bản, nhưng nó là một đất nước công an trị từ bản chất. It may look like a capitalist frontier, but it’s a police state at heart..."

Việt Nam là một mô hình moiré: nhìn đất nước ấy và nheo mắt lại theo một cách, bạn sẽ có một xã hội đầy khát vọng lao tới tương lai. Nheo mắt theo một cách khác, bạn thấy một tên cai ngục cố chấp bỏ tù bất cứ ai từ chối nhón chân đi trên lằn kẻ của đảng. Các nhà vận động chính trị lạc quan thì tập trung vào những bãi biển diễm lệ, thực phẩm, và sức hấp dẫn của Việt Nam như một điểm đến du lịch. Các phóng viên nhân quyền thì tập trung vào chuỗi lặp lại của sự bạo hành.


Đúng vậy, đất nước này đang mở ra với Phương Tây và nhanh chóng phát triển. Tuy nhiên, bất chấp tất cả sức quyến rũ rạng ngời của mình, Việt Nam là một nền văn hóa đổ nát. Các viên chức kiểm duyệt đã bóp nghẹt hoặc cho đi đày các nghệ sĩ tài năng nhất nước. Các nhà văn và nhà thơ nổi nhất Việt Nam đã không còn viết nữa, trừ những người đang công bố tác phẩm của mình trên những tờ báo chui. Báo chí là một doanh nghiệp thối nát do chính phủ kiểm soát. Cũng vậy với ngành xuất bản. Lịch sử quá nguy hiểm để nghiên cứu. Tự do tôn giáo, tư tưởng, ngôn luận... các bộ trưởng của ngành tuyên truyền ngăn chặn tất cả.

Từ ngày 20 đến 28 tháng 1, Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang tổ chức cuộc rán lợn mỗi năm năm lần thứ 12 được gọi là Đại hội toàn quốc. Khoảng 1.500 đảng viên sẽ tập trung tại Hà Nội để thông qua kế hoạch kinh tế năm năm và phê duyệt một giàn ứng cử viên cho Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, 16 thành viên ưu tú cho Bộ Chính trị của Đảng, và tổng bí thư đảng (là trự ngồi ở đầu bàn). Tham nhũng từ trên xuống dưới, đông đúc nhờ thói đỡ đầu và thề sống chết với chủ nghĩa xã hội thân hữu cũng như cuộc tìm kiếm đặc lợi, ĐCSVN duy trì một thế khóa tay trên chính phủ, quân đội, truyền thông và 93 triệu người dân Việt Nam. “Chủ nghĩa Mác cần một nhà độc tài,” người tị nạn Nga kiêm nhà văn Vladimir Nabokov nói, “và nhà độc tài cần cảnh sát ngầm, và đó là tận thế.”

Giới quan sát quốc tế săm soi các đại hội của Đảng Cộng sản để tìm dấu hiệu phe này hay phe khác đang lên. Trong vài tuần tới, hãy trông đợi sẽ được đọc những bài viết về phe cảm tình viên Tây Phương hạ gục được phe thân Trung Quốc, hoặc ngược lại. Thái độ tự yêu mình về những điểm khác biệt nhỏ nhặt này hoàn toàn trật chìa. Khoảng 4,5 triệu thành viên của Đảng Cộng sản muốn được chia phần. “Giống như xem người ta đánh nhau bên dưới một tấm thảm,” nhà thơ Việt Nam Nguyễn Quốc Chánh đã nói như thế về các cuộc họp kín nhằm sản sinh ra những kẻ cai trị Việt Nam.

Đúng vậy, ĐCSVN đã tiến hóa kể từ khi thống nhất đất nước năm 1975 sau cuộc chiến tranh. Đối mặt với nạn đói ở nông thôn, Đại hội Đảng lần thứ sáu năm 1986 đã từ bỏ nền kinh tế chỉ huy theo kiểu Liên Xô để chọn chủ nghĩa xã hội thị trường. ĐCSVN cho phép thị trường tự do nở rộ từ dưới đáy xã hội và khuyến khích “tư bản đỏ” nổi lên ở giữa, trong khi họ dành riêng cho mình những ngành nghề như đóng tàu, ngân hàng, khai khoáng và các doanh nghiệp nhà nước ở tầng trên cùng của xã hội.

Đi cùng với những cải cách kinh tế là một giai đoạn cải cách văn hóa ngắn ngủi. Bức màn xám của sự giám sát nhà nước đã được nâng lên đủ lâu để cho bốn tác giả lớn của Việt Nam thời hậu chiến xuất bản các tác phẩm nổi tiếng nhất của mình: nhà văn truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (“Tướng về hưu”) và các nhà văn tiểu thuyết là Bảo Ninh (“Nỗi buồn chiến tranh”), Dương Thu Hương (“Tiểu thuyết vô đề”), và Phạm Thị Hoài (“Thiên sứ”). Nhưng bức màn xám đã được tấn xuống vị trí cũ vào năm 1991, khi cảnh sát văn hóa khám xét nhà Thiệp và tiêu hủy bản thảo của anh. Kể từ đó, Thiệp và Bảo Ninh đã sống đời lưu vong nội xứ, xuất bản những truyện đã qua kiểm duyệt được viết lại bởi bọn bồi bút của Đảng. Sau tám tháng tù giam vào năm 1991, Hương hiện đang sống ở Paris, và Hoài đang sống lưu vong ở Berlin.

Những lần khác ĐCSVN điều chỉnh đường lối đã xảy ra sau khi Việt Nam khôi phục quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ vào năm 1995 và sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007. Sự kiện sau đã mở khóa vòi nước cho đầu tư nước ngoài, vốn bốc hơi chỉ sau một năm trong cuộc Đại suy thoái. Chẳng hề biết chuyện gì đang xảy ra, ĐCSVN tiếp tục bơm tiền vào các doanh nghiệp nhà nước. Điều này tạo ra nạn lạm phát tăng vọt lên tới 60 phần trăm theo tỷ lệ hàng năm, một bong bóng tài sản nhanh chóng bùng vỡ, và sự phá sản của nhiều doanh nghiệp nhà nước khác nhau, bao gồm công ty đóng tàu quốc gia, Vinashin, chìm dưới 4,5 tỷ USD nợ nần.

Vụ bê bối này gần đủ lớn để lật đổ Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam. Dũng đã được cứu bởi tay chân của mình trong Bộ Chính trị và bắt đầu vận động cho vị trí hàng đầu là tổng bí thư ĐCSVN, nhưng ông dường như đã thất bại trong nỗ lực này. Trong thực tế, Việt Nam vào lúc này có vẻ đang trải qua một cuộc đảo chính với chuyển động chậm trong đó Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu 71 tuổi hiện nay của ĐCSVN, mặc dù theo luật thì phải về hưu, đang chạy đua để duy trì quyền lực, ít nhất là thêm một vài năm nữa.

Bên cạnh ĐCSVN, hằng số khác ở Việt Nam là ảnh hưởng của Trung Quốc. Năm 2008, Tổng công ty Nhôm giàu có của Trung Quốc mua quyền khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên của Việt Nam. Trong năm sau đó, Bắc Kinh dựng dậy tư thế bá quyền trên hầu hết Biển Đông. Đến năm 2014, Bắc Kinh di chuyển một giàn khoan dầu vào vùng biển của Việt Nam và xây dựng những đường băng trên các hòn đảo nhân tạo được tạo ra từ những rạn san hô bị băm vụn. (Hà Nội lại vừa cáo buộc Bắc Kinh đưa giàn khoan dầu ấy trở lại vùng biển Việt Nam vài ngày trước khi Đại hội Đảng mới nhất này khai mạc.) Tình tự chống Trung Quốc, không còn kiềm chế nổi bởi các lực lượng cảnh sát của Việt Nam, đã dâng trào. Vào tháng 5 năm 2014, hàng trăm nhà máy được cho là thuộc sở hữu của Trung Quốc đã bị cướp hoặc đốt, và 21 người đã chết. Không có gì đáng ngạc nhiên, khi phe thân Trung Quốc của Việt Nam đang im hơi lặng tiếng.

Tuy nhiên, tình tự chống Trung Quốc đã không chuyển dịch thành sự sút giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại Việt Nam. Trung Quốc tiếp tục xây đảo, nạo vét cao nguyên, và làm bất cứ điều gì khác cần thiết để giữ cho Đàn Em Việt Nam nằm chặt trong quỹ đạo của Đàn Anh Trung Quốc. Liên minh này bền chặt đến nỗi một số người Việt đông đến đáng kinh ngạc, viện dẫn cái gọi là Hội nghị Thành Đô, tin rằng đất nước mình đã thực sự lệ thuộc Trung Quốc. (Tại một cuộc họp bí mật năm 1990 tại Thành Đô, Trung Quốc, ĐCSVN đã bán mình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận lấy những khoản hối lộ khổng lồ để cho đi dầu mỏ ngoài khơi, bauxite và những nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, hoặc ít ra đây là theo niềm tin phổ biến hiện nay.)

Hà Nội đã làm tốt hơn công việc thao túng mối quan hệ của mình với Hoa Kỳ so với mối quan hệ của mình với láng giềng khổng lồ phương bắc. Có khả năng ĐCSVN sẽ thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hiệp định thương mại gồm 12 quốc gia đã được ký tắt vào tháng 11. Được thiết kế bởi Washington để làm một bức tường xanh lá cây của thương mại ngăn chặn làn sóng đỏ của Trung Quốc, TPP tiềm tàng cung cấp một vận may bất ngờ cho Việt Nam. Thỏa thuận này có một số quy định gây khó chịu liên quan đến quyền lao động, nhưng Hà Nội có thể sẽ bỏ qua tất cả, y như các giao thức quốc tế khác mà họ đã ký kết rồi phủi tay. Việt Nam đứng gần cuối mỗi một chỉ số về nhân quyền. Nước này có số tù nhân chính trị trên mỗi đầu người cao nhất trong mọi quốc gia ở Đông Nam Á, nhưng vẫn vểnh đuôi như một con công khi đi vào chỗ ngồi của mình trong tại Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ai mà để ý chuyện một vài nhà tổ chức nghiệp đoàn đang bị cầm tù cùng với 300 tù nhân chính trị khác của Việt Nam?

Sau khi vào TPP, Việt Nam sẽ nhất quyết đòi Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu từ bỏ việc gọi tên họ là một nền kinh tế “phi thị trường”. (Các “nền kinh tế thị trường” được bảo vệ tốt hơn chống lại những vụ kiện chống bán phá giá.) Đây là vấn đề lớn đối với Việt Nam, vốn đang hy vọng TPP sẽ mở cửa các thị trường Hoa Kỳ cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có một món mà hai nước đã tranh chấp trong vài năm qua, là cá da trơn. Vào tháng 7, để bôi trơn các bánh xe nhằm đưa những thỏa thuận thương mại đi đúng đường, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã mời Tổng Bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng tới Nhà Trắng để dự cái mà Trọng gọi là một “cuộc gặp có ý nghĩa lịch sử.” Và tại sao chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam tới Nhà Trắng lại là “lịch sử”? Bởi vì “Nhà Trắng thừa nhận cơ cấu chính trị của Việt Nam và sự lãnh đạo của đảng,” từ đó hợp pháp hóa, theo Trọng, sự cai trị của ĐCSVN.

Nhưng hãy xét xem sự cai trị này trông giống gì:

Ban Tuyên giáo Trung ương có những xúc tu xuyên qua Bộ Thông tin và Truyền thông vươn tới Cục An ninh Văn hóa PA 25, và từ đó đi vào mỗi một chi bộ ĐCSVN đang điều khiển các cơ quan truyền thông tại Việt Nam.

Trên cương vị của mình là kiểm duyệt viên trưởng của Việt Nam, Trọng có trách nhiệm điều hành cái mà tổ chức giám sát báo chí Phóng viên Không Biên giới, trong một báo cáo vào tháng 9 năm 2013, gọi là một “nhà nước xã hội đen” với đầy đủ “những đợt bắt bớ, những vụ xét xử, những cuộc tấn công thân thể và sách nhiễu”. “Chỉ trong năm 2012,” theo một bài báo vào tháng 7 năm 2015 bởi cùng một tổ chức, các tay sai ngành tư pháp của Trọng “đã truy tố không ít hơn 48 blogger và người bảo vệ nhân quyền, kết án họ tổng cộng 166 năm tù giam và 63 năm quản chế.”

Các nhà vận động chính trị lạc quan phản đối cách nói chuyện này là gieo hoang mang. Thật vậy, nó có vẻ lỗi thời, giống như một cái gì đó rơi ra khỏi một đới đứt gãy thời gian vào những năm 1950. Nhưng những tin tức lọt ra từ Việt Nam là đáng báo động. Nó đáng báo động đối với Việt Nam, một đất nước phải thích nghi với đống đổ nát văn hóa này, và nó cũng đáng báo động cho các tất cả của chúng ta, những người đang phải đối mặt trong các xã hội của chính mình với những áp lực của kiểm duyệt, sự gia tăng giám sát đối với quần chúng, và sự thống trị của những lợi ích thương mại đến mức loại trừ tất cả các giá trị khác. Từ quan điểm này, Việt Nam không phải là một đới đứt gãy thời gian của quá khứ, mà là một cửa sổ vào tương lai của chúng ta. Có thể nào trường hợp cá biệt này lại trở thành tình trạng bình thường mới?

Có một điều chúng ta biết về Đại hội Đảng lần thứ 12 của Việt Nam là nó sẽ không ngăn chặn sự tàn bạo của cảnh sát. Vào đầu tháng 12, cảnh sát mặc thường phục đã đánh đập nhà vận động nhân quyền kiêm luật sư Nguyễn Văn Đài bằng những thanh kim loại. Mười ngày sau đó, Đài bị bắt trên đường đến gặp đại biểu Liên minh châu Âu đang đến Hà Nội để dự cuộc đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam lần thứ năm. Blogger nổi tiếng nhất nước kiêm nhà báo Nguyễn Hữu Vinh (còn có tên khác là Anh Ba Sàm) hiện đang ở tù, với tội danh “lợi dụng tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của nhà nước.” Vụ xét xử Vinh, trước đây dự kiến sẽ mở vào ngày 20 tháng 1, cùng ngày với Đại hội Đảng, đã bị hoãn lại vô thời hạn.

Một bình địa văn hóa trong một đất nước công an trị đánh đập những người ủng hộ dân chủ bằng những thanh sắt, Việt Nam được làm ngơ cho, mặc dù hắn ta là một diễn viên tồi, vì nhiều người muốn làm ăn với các công dân tháo vát của đất nước ấy, hoặc muốn tận hưởng những thú vui trên đất nước ấy. Việt Nam sẽ chào đón khách du lịch và mặc cả về tài chính toàn cầu và chủ nghĩa tư bản xuyên quốc gia, không có vấn đề nào cả. Nhưng nếu bạn muốn đến dự tiệc, hãy quên đi. Chỉ dành cho đảng viên.

Thomas A. Bass | Foreign Policy
Dịch giả: Carl Trần

http://kekhopk.com/forums/index.php?showtopic=68193

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét