Thứ Tư, ngày 03 tháng 10 năm 2012
Ghi chép bên sông Hàn: Thủ đô Seoul
Đường phố Seoul tràn ngập xe “Made in Korea”
Nếu Nhật Bản được ví như ‘con rồng hùng mạnh nhất’ châu Á thì Đại Hàn (còn được gọi là Hàn Quốc, Đại Hàn Dân Quốc hoặc Nam Triều Tiên để phân biệt với Bắc Triều Tiên, tên thường gọi của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên) chiếm ngôi vị con rồng thứ hai. Đại Hàn xưa kia chỉ sánh ngang hàng với miền Nam Việt Nam nhưng sau hơn 60 năm đã bỏ xa người anh em VNCH cùng chiến tuyến…
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến thủ đô Seoul (Hán Thành) là sự tràn ngập xe hơi “made in Korea” trên đường phố. Các loại xe như Huyndai, Kia, Daewoo, Ssangyong chiếm lĩnh hầu hết các nẻo đường từ nội thành ra đến ngoại thành. Ssangyong xuất xưởng loại xe hai cầu mang nhãn hiệu Korando từ năm 1998. Điều lý thú là cái tên Korando xuất xứ từ cụm từ tiếng Anh ‘Koreans Can Do’ với hàm ý khẳng định trong lãnh vực sản xuất xe hơi, người Hàn Quốc có thể làm được. Khoảng 3.000 chiếc Mekong Star đang lưu hành tại Việt Nam chính là loại Korando hiện đang tràn ngập đường phố và xa lộ Hàn Quốc.
Số dòng xe xuất xưởng Ssangyong bao gồm các loại xe 2 cầu mang nhãn hiệu Lorando và Musso với khoảng 110.000 chiếc mỗi năm. Musso, theo tiếng Hàn, có nghĩa là con tê giác. Các nhà thiết kế đã khéo dùng hình tượng con vật khỏe hơn trâu để đặt tên cho tính năng mạnh mẽ của loại xe 2 cầu dùng cho các địa hình hiểm trở.
Người Hàn Quốc chỉ lái xe sản xuất trong nước vì niềm tự hào dân tộc và cũng vì giá cả và chất lượng xe có thể chấp nhận được. Cũng vì thế, số lượng xe nhập từ nước ngoài chỉ chiếm khoảng 3% thị phần xe hơi Hàn Quốc với mức thuế nhập khẩu rất cao.
Tuy nhiên, với chính sách bảo hộ triệt để xe hơi nội như vậy, chính phủ Hàn Quốc đang chịu một sức ép lớn từ phần còn lại của thế giới trong xu thế hội nhập toàn cầu. Để giải tỏa những áp lực từ phía bên ngoài, Thủ tướng Hàn Quốc cho biết ông và các thành viên trong nội các sẽ làm gương bằng cách… lái xe ‘ngoại’! Quả là một nghịch lý theo kiểu Hàn Quốc.
Đường phố Seoul tràn ngập xe “Made in Korea”
Hoài cổ Deoksugung
Khu cung điện Deoksugung (còn được gọi là Gyeongun-gung hay Dinh Deoksu) là một quần thể kiến trúc cổ nằm ngay giữa thủ đô Hán Thành, đối diện với tòa thị sảnh Seoul. Nơi đây, dòng dõi hoàng tộc Triều Tiên đã từng sinh sống trong những tòa nhà gỗ cổ chen lẫn những vườn hoa ngự uyển và hồ ngoạn cảnh từ năm 1593.
Deoksugung nay chỉ còn lại một phần ba diện tích ngày xưa khi chưa có cuộc xâm lăng của đế chế Nhật. Nơi đây vẫn còn lưu lại bức tượng bằng đồng của vua Sejong và những viện bảo tàng nghệ thuật mở cửa cho du khách đến để khám phá lịch sử Đại Hàn.
Tại Seoul, du khách có thể nhận ra ngay nét tương phản giữa một Deoksugung cổ kính và thế giới của những tòa nhà chọc trời vây quanh. Quá khứ và hiện tại hầu như đan quyện lấy nhau để tạo một nét độc đáo của thủ đô Hán Thành bên những chiếc cầu bắc ngang sông Hàn lững lờ chảy qua thành phố.
Deoksugung cổ kính bên những kiến trúc tân thời
Nếu Hoa Kỳ có White House thì Hàn Quốc có Blue House là nơi Tổng thống làm việc. Nhưng xem ra White House thân thiện với khách du lịch hơn là Blue House ở Seoul. Blue House có một bồn hoa phun nước phía trước, tôi chụp một tấm hình kỷ niệm tại đó nhưng khi chụp xong, một nhân viên (có lẽ là mật vụ) chạy đến và cho biết… nơi đây cấm chụp hình.
Không biết bảng cấm đặt tại đâu nhưng nhìn tướng hộ pháp của người ‘cảnh sát chìm’ tôi đành nói ‘sorry’. Hàn Quốc vốn nổi tiếng về ‘kỷ luật sắt’ nên… tránh voi không hổ mặt!
Vừa chụp xong tấm hình này mới biết đây là khu vực “No Photographs”!
Đi chợ xứ Hàn
Khám phá chợ truyền thống cũng là điều thú vị mà thành phố Seoul đem đến cho du khách. Chợ Gwangjang có hơn 100 năm tuổi và chuyên bán các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, quần áo, vải vóc. Tại đây, bạn có thể tìm thấy mọi thứ, từ cái chăn nhà binh cũ cho đến món kim chi. Đây là một trong những nơi tốt nhất để tìm mua một bộ hanbok truyền thống hay thưởng thức những miếng bánh đậu xanh bindaetteok. Chợ Gwangjang cũng là điểm hội tụ của những người trẻ, chuộng thời trang. Tai đây, họ có thể săn nhặt các mặt hàng từ kính mát, dây chuyền đeo cổ cho đến quần áo à-la-mode độc đáo.
Chợ Namdaemun thu hút nhiều khách du lịch phương Tây với hàng nghìn tiểu thương bán đủ các mặt hàng từ quần áo, thực phẩm cho đến đồ điện tử, quà lưu niệm. Cũng như tại các chợ truyền thống khác, khách hàng được tự do mặc cả cho đến khi… thuận mua, vừa bán. Chợ thường xuyên đón khách quốc tế nên người bán có thể nói nhiều ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Hoa…
Chợ Gyeongdong là chợ đông dược lớn nhất tại Seoul, quy tụ đến 70% các loại thuốc của Hàn Quốc. Người bán hàng tỏ ra rất am hiểu về thảo dược và thường tư vấn cho khách cách sử dụng các vị thuốc trị các loại bệnh khác nhau chẳng khác gì khu Triệu Quang Phục trong Chợ Lớn ở ta. Nhiều đông y sĩ còn ‘ăn theo’ bằng cách mở phòng khám gần chợ.
Đại Hàn thường được gọi là ‘xứ củ sâm’ với món nhân sâm, đứng đầu trong nhóm thuốc bổ Sâm-Nhung-Quế-Phụ. Người Á đông khi đến Seoul thế nào cũng ghé chợ Gyeongdong để mua ginseng về làm quà, bảo đảm thứ thiệt, không sợ bị hàng ‘dỏm’!
Ginseng Hàn Quốc
Chúng tôi cũng có dịp ghé khu karaoke tại Seoul. Những tiệm karaoke nằm san sát trên một con đường tràn ngập ánh đèn xanh, đỏ. Seoul cũng có những ‘cò mồi’ phát danh thiếp quảng cáo cho những tiệm karaoke mà chắc chắn ngoài việc hát hò còn có những dịch vụ giải trí theo kiểu ‘tươi mát’. Cũng như tại Việt Nam, khách hát karaoke có thể gọi thêm tiếp viên cho ‘xôm tựu’ theo kiểu karaoke ‘ôm’ nhưng có phần ‘hiền’ hơn ở Sài Gòn hay Hà Nội.
Tại khu ‘ăn chơi’ còn có những tiệm massage để khách thư giãn. Một khám phá khá thú vị: các tiệm massage ở Seoul đều gắn hộp đèn hình ống có những vạch xanh đỏ quay vòng vòng. Loại hộp đèn này ở Sài Gòn ngày trước được các tiệm uốn tóc đặt trang trí trước cửa nên khi nhìn thấy ở Seoul tôi hỏi người hướng dẫn: “Chắc đây là tiệm uốn tóc?”, cậu hướng dẫn viên trả lời tỉnh bơ: “Không, đó là những tiệm massage, ông có muốn vào thử không?”.
Phải chăng đây cũng là một thí dụ điển hình về ‘cultural shock’? Từ tiệm uốn tóc ở ViệtNam đến tiệm massage ở Hàn Quốc đều dùng chung một loại hộp đèn giống hệt nhau. Không có dịp đi ra ngoài chắc chắn người ta không thể nào hiểu hết được thế nào là những cái shock về văn hóa.
Hàn Quốc qua phim ảnh và thực tế
Điện ảnh Hàn Quốc trong suốt thập niên 1990 đã ồ ạt xâm nhập Việt Nam với những tên tuổi diễn viên đã để lại một ấn tượng khá đậm nét trong gới xem phim. Khán giả Việt Nam đã quá quen mặt với chàng diễn viên tài tử đẹp trai Jang Dong Gun qua những bộ phim ăn khách như Anh em nhà bác sĩ, Cờ thái cực bay phấp phới, Cú nhảy cuối cùng,Sự trả thù ngọt ngào, Bão nhiệt đới, Xin chào Tổng thống...
Với nụ cười thiên thần, nữ tài tử Kim Tae-hee đã chinh phục không chỉ khán giả xứ Hàn mà còn ở các nước châu Á khác qua những vai diễn đình đám như: Chuyện tình Harvard(vai cô nữ sinh khoa luật Lee Swo-in), Chuyện tình chốn thiên đường (vai nữ diễn viên chính So-hwoa), Nấc thang lên thiên đường (vai Han Yuri), Mars and Venus (vai Yun Jin-ah) và gần đây nhất là bộ phim “bom tấn” Iris (vai Choi Seung Hee). Sở hữu khuôn mặt châu Á thuần khiết, trong sáng, Kim Tae-hee đã không ít lần được bình chọn là gương mặt đẹp nhất xứ Hàn.
Người đẹp Kim Hee Sun trong các bộ phim như Tình cờ, Sự trả thù ngọt ngào, Bản tình ca buồn, Thần thoại (đóng cùng Thành Long)… được khán giả Việt rất yêu mến. Cô được mệnh danh là nữ hoàng quảng cáo của showbiz Hàn Quốc những năm 90. Rất nhiều người đặt cho cô những mỹ từ như: cô gái ngọt ngào, công chúa thần thoại, mỹ nữ đẹp không nhờ dao kéo…
Kim Hee-sun
Diễn viên chỉ là một trong những yếu tố giúp nền điện ảnh Hàn Quốc phát triển. Còn rất nhiều vấn đề đã hỗ trợ cho sự thành công đó, chẳng hạn như chuyện vượt qua sự cản trở của chính phủ hoặc sáng kiến thiết lập mô hình cụm rạp chiếu phim đầu tiên ở Hàn Quốc. Thời đó, có rất nhiều quy định về rạp hát, có những quy định chi tiết như phòng vệ sinh đặt ở đâu hoặc khoảng cách giữa các phòng chiếu như thế nào... Để xây được cụm rạp đầu tiên, những doanh nhân tiên phong đã phải làm việc với quan chức không biết bao nhiêu lần nhằm thay đổi hàng đống quy định lỗi thời.
Điện ảnh Hàn Quốc trong thập niên 1990 đã liên tục phát triển, cả về doanh thu nội địa và tỉ lệ phần trăm của phim nội với đỉnh cao vào năm 2006, khi doanh thu phòng vé đạt kỷ lục chưa từng có, và phim nội chiếm tới 65% số vé. Phải chăng đó cũng là kết quả của ‘niềm tự hào dân tộc’ như đã nói ở phần trên trong ngành công nghiệp xe hơi?
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là có sự khác biệt giữ cuộc sống đời thường và những gì diễn ra trên màn ảnh. Các cô gái Việt Nam bị ‘lậm’ phim Hàn Quốc thường chọn cho mình mầu môi tím sẫn, mầu tóc nâu nâu… nhưng phụ nữ Hàn ngoài đời thường ở Seoul cũng giản dị như bất kỳ phụ nữ Á đông nào.
Nam giới cũng thích món ‘cầy tơ’ đưa cay bằng rượu đế mà ở Hàn Quốc gọi là sochulàm từ gạo. Người Hàn Quốc vẫn còn giữ cách ngồi ăn truyền thống với chiếc bàn thật thấp và người ăn ngồi ngay trên sàn nhà theo kiểu Nhật Bản. Kiểu ngồi này coi vậy cũng rất khó và không được thoải mái đối với những người không quen.
Món ăn Hàn Quốc và đĩa kim chi
Rất tình cờ, chúng tôi khám phá tại Seoul một tiệm mang bảng hiệu Phở Việt Nam. Có vào mới biết, giá một tô phở tại tại đây khá đắt, tô thường 6.000 won (khoảng 6,5 đô la). Bánh phở thuộc loại bánh khô, trước khi phục vụ nhà hàng phải trụng nước sôi. Nước dùng thiếu hẳn các hương vị của quế, hồi và gừng như ở Việt Nam.
Điều gây kinh ngạc nhất là thịt bò được để riêng trong đĩa chứ không bỏ chung cùng tô phở. Cuộc sống hiện đại đã nảy sinh ra loại phở đĩa mà chính tại nơi phát sinh ra phở chẳng hề có! Phát hiện cuối cùng: tiệm phở này mang tên Phở Việt Nam nhưng khi nói chuyện với họ bằng tiếng Việt, ai cũng lắc đầu, không hiểu. Có thể ông chủ tiệm đã từng sang Việt Nam dưới mầu áo quân đội đồng minh chăng?
Chuyện World Cup 2002
Còn hơn 300 ngày mới đến lễ khai mạc World Cup 2002 nhưng đường phố Seoul đã xuất hiện nhiều cờ xí và logo cổ súy cho Cúp bóng đá thế giới. Người Hàn Quốc hãnh diện trong vai trò nước chủ nhà cùng với Nhật Bản được FIFA chọn đăng cai ngày hội bóng đá đầu tiên của thiên niên kỷ và cũng là lần đầu tiên được tổ chức tại châu Á.
Để chuẩn bị cho World Cup 2002, Hàn Quốc đã xây mới 10 sân vận động (SVĐ) tại các thành phố lớn như Busan, Daegu, Daejeon, Gwangju, Incheon, Jeongju, Seogwipo, Suwon, Ulsan và Seoul. SVĐ Sangam ở Seoul do tập đoàn Samsung trúng thầu với kinh phí 174 triệu USD được xếp vào loại hiện đại nhất với 64.000 chỗ ngồi.
SVĐ Sangam do tập đoàn Samsung xây dựng
Nhìn từ xa, mái che SVĐ mang hình ảnh những cánh diều theo truyền thống Hàn Quốc. Ở một góc cạnh khác, những trụ tháp và dây cáp treo đã biến toàn cảnh công trường xây dựng thành những cánh buồm, gợi lại hình ảnh những chiếc thuyền cặp bến sông Hàn vào thời xa xưa.
Nhìn từ trên cao, SVĐ lại mang hình tượng chiếc khay truyền thống mà người Hàn thường sử dụng trên bàn ăn. Có thể nói, chủ đề trọng tâm của kiến trúc SVĐ Seoul mang đậm nét truyền thống dân tộc mà những người có trách nhiệm xây dựng công trình thể thao Mễ Trì ở Việt Nam cần tham khảo và học hỏi.
Tiếp đón khách tại trung tâm thông tin trong SVD Seoul là cô Park Chul Ok, một tình nguyện viên làm việc không lương cho World Cup 2002. Park đã từng đến Việt Nam vài lần và có thể kể vanh vách một số địa danh như Sài Gòn, Hà Nội và Vịnh Hạ Long.
Park Chul Ok, tình nguyện viên World Cup 2002
Tại trung tâm thông tin, khách tham quan được xem 10 phút phim giới thiệu công trình xây dựng SVĐ Seoul, sau đó được hướng dẫn đến hành lang truyền thống World Cup FIFA và ngắm nhìn toàn cảnh SVĐ từ khán đài trung ương. Mọi hạng mục bên trong SVĐ đã gần như hoàn chỉnh và khách tham quan không khỏi ngỡ ngàng khi hướng dẫn viên tiết lộ công trình hiện đại trước mặt được xây dựng trên một khu vực trước đây chỉ là một… bãi rác của thủ đô Seoul. Chính quyền thành phố đã quyết tâm biến toàn bộ bãi rác thành một công viên sinh thái mang tên Thiên niên kỷ để chuẩn bị cho World Cup 2002.
Trong sân vận động Sangam
Vốn là một người hâm mộ bóng đá, cô Park tâm sự chỉ mong sao cho đội tuyển Hàn Quốc vào sâu vòng trong để được hưởng một niềm vui trọn vẹn của nước chủ nhà. Thiết nghĩ, Hàn Quốc đã làm hết sức mình cho World Cup 2002, dù đội tuyển của họ có thất bại trên sân cỏ, chắc chắn sẽ chiếm được cảm tình của khoảng 60 tỷ người theo dõi World Cup trên hành tinh này qua các phương tiện truyền thông.
Chuyện về người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc
Rất tình cờ, khi vừa đặt chân xuống phi trường Incheon tại Seoul chúng tôi gặp hai người lao động Việt Nam ra đón bạn. Mới thoạt nhìn, chúng tôi không hề nghĩ họ là người Việt vì nhìn chung, không thể nào có sự phân biệt giữa người Hàn và Việt. Khi thấy chúng tôi nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt, hai người mới chủ động làm quen.
Qua câu chuyện gặp nhau nơi xứ người, họ không hề dấu diếm tình trạng ‘cư trú bất hợp pháp’ của mình tại Hàn Quốc. Người thanh niên gốc Thái Bình cho biết anh đi ‘xuất khẩu lao động’ sang Hàn Quốc, sau khi hết hợp đồng lao động, thay vì về nước anh ở lại Seoul và hiện vẫn đi làm ‘chui’ với số lương 600 đô la một tháng. Mức lương này cao hơn mức lương 400 đô la theo hợp đồng lao động chính thức của anh trước đó.
Lương bình quân của một người lao động Hàn Quốc vào khoảng từ 800 đến 1.000 đô la nên một số công ty Hàn Quốc, thường là những công ty nhỏ, sẵn sàng tiếp nhận người lao động nước ngoài để tiết giảm chi phí dù họ biết việc tuyển dụng như vậy là phạm luật. Chính điều này đã vô tình tạo điều kiện khuyến khích người Việt Nam không chịu về nước sau khi hợp đồng chính thức hết hạn.
Thậm chí có cả những trường hợp bỏ ngang hợp đồng lao động chính thức để đi làm ‘chui’ với mức lương cao hơn. Để được đi lao động tại nước ngoài, người Việt phải tốn khá nhiều tiền lo thủ tục bên cạnh những khoảng tiền ‘lót tay’ cho các công ty xuất khẩu lao động. Thế cho nên, người lao động sẵn sàng gỡ lại vốn bằng cách bỏ hợp đồng để đi làm ‘chui’ nếu họ tìm ra ‘đường dây’ do bạn bè giới thiệu.
Lao động tại một xưởng lắp ráp xe hơi
Vào thời điểm 2001, vấn đề nổi bật là sự kiện có đến 60% người lao động Việt đến Hàn Quốc vi phạm hợp đồng qua những trường hợp như bỏ đi làm bên ngoài hoặc không về nước sau khi hợp đồng hết hạn. Hiện tượng này gây không ít khó khăn cho cả hai phía Việt - Hàn. Đại diện cho phía Hàn Quốc là Hiệp hội các Doanh nghiệp Vừa và Nhỏ, phụ trách sắp xếp và tiếp nhận người lao động Việt Nam làm việc cho các doanh nghiệp thành viên. Trong tình hình người lao động Việt Nam bỏ đi làm cho các công ty khác sẽ gây thiệt hại không ít cho các đối tác Hàn Quốc.
Mỗi năm Hàn Quốc dành một hạn ngạch (quota) tiếp nhận 30.000 lao động Việt Namsang làm việc. Gần đây nhất, chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra một quy định mới: chỉ cấp quota tiếp nhận số lao động mới bằng với số lao động đã thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng. Như vậy, số lao động bỏ việc hoặc không về nước sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến số lao động ở Việt Nam chờ đi Hàn Quốc.
Chuyện Xa lộ Đại Hàn và những người lính Mãnh hổ, Bạch mã, Thanh long…
Trong cuộc chiến vừa qua, nếu hãng thầu RMK của Mỹ để lại tại Sài Gòn Xa lộ Biên Hòa (ngày nay được đổi tên là Xa lộ Hà Nội!!!) thì công binh Đại Hàn cũng có một công trình kỷ niệm: Xa lộ Đại Hàn. Đây là một đoạn của quốc lộ 1A, từ ngã ba Thủ Đức đến ngã ba An Lạc, nối liền Sài Gòn với Bình Dương, dài 43,1 km.
Xa lộ này được xây dựng năm 1969, sau sự kiện Tết Mậu Thân, nhằm củng cố vành đai bảo vệ phi trường Tân Sơn Nhất và chia cắt căn cứ địa Củ Chi. Xa lộ Đại Hàn còn là con đường huyết mạch nối liền miền Đông với miền Tây trong khu vực Nam Bộ. Ngày nay,Xa lộ Đại Hàn nằm trên tuyến đường xuyên Á nối liền Sài Gòn với thủ đô Phnom Penh của Cambodia với chiều dài 80 km trong địa phận Việt Nam.
Quân đội Đại Hàn tham chiến tại Việt Nam bên cạnh các nước đồng minh từ năm 1965 cho đến 1973, có lúc quân số lên đến 50.000 người bao gồm (1) Sư đoàn Thủ Đô, biệt danh Mãnh Hổ, hoạt động tại Vùng II chiến thuật thuộc Bình Định và Phú Yên; (2) Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 (tức lữ đoàn Thanh Long) tác chiến tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và (3) Sư đoàn bộ binh số 9 (sư đoàn Bạch Mã) hoạt động ở khu vực tỉnh Khánh Hoà.
Lính Đại Hàn tại Việt Nam
Theo thống kê, tổn thất của phía Đại Hàn gồm khoảng 4.000 quân nhân tử trận và 17.000 người bị thương. Chuyện người chết và bị thương trong chiến tranh là điều khó tránh khỏi nhưng cũng có một ông đại tá trong quân đội Đại Hàn lại đặt vấn đề (tuy hơi muộn) về sự tàn ác của lính Nam Triều Tiên trong cuộc chiến tại Việt Nam.
Ông đại tá về hưu Kim Ki Tae, kể về việc binh lính Đại Hàn giết hại thường dân Việt Nammột cách có hệ thống trong chiến tranh: “Một khi đã bắn một thường dân vô tội, chúng tôi không thể không giết tất cả bọn họ. Bởi vì một người còn sống sót có thể làm nhân chứng về những việc làm sai quấy của chúng tôi… Tôi phải ra lệnh như vậy với tư cách là một đại úy: “Dứt điểm toàn bộ”… Điều đó có nghĩa là bắn tất cả bọn họ thêm một lần nữa để bảo đảm rằng không ai còn sống sót”.
Ông Kim Ki Tae còn tự hỏi: liệu Đại Hàn có cần xin lỗi Việt Nam về những gì đã xảy ra giống như những gì Nhật Bản đã làm tại Triều Tiên trước đó? Câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ.
Hwang Sang Cheol, phóng viên của tạp chí The Hankyoreh21, viết qua bản dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Anh trong một bài báo: “…In wartime, what is the value of human life? People say that persons who haven't experienced a war, can not imagine the reality of war. Does this allow us to justify the wrong doings of the Korean soldiers in the Vietnam War, in the name of war? Or is it because it is the past, we can keep all our shameful wrong doings hidden under the name of history?”.
(http://tw.myblog.yahoo.com/jw!Xm47dpuEA0b9oUG3.NW4mJk-/article?mid=604)
Xem ra giữa Việt Nam và Hàn Quốc có nhiều vấn đề của quá khứ còn che dấu bên cạnh những vấn nạn của hiện tại như việc các cô gái Việt đua nhau lấy những anh chồng… củ sâm.
***
(Trích Hồi Ức Một Đời Người – Chương 9: Thời hội nhập)
http://chinhhoiuc.blogspot.co.nz/2012/10/ghi-chep-ben-song-han-thu-o-seoul.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét