Hai năm thực hiện tinh giản biên chế đã… tăng thêm 96.000 người và chi thường xuyên tăng 16,25%
Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người...
Sáng 29-11, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt các Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6, khóa XII, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã giới thiệu và quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP
Tại đây, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, sau 30 năm đổi mới, chúng ta chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường, các tổ chức chính trị đã chuyển đổi kịp thời trước yêu cầu đổi mới kinh tế đi đôi với đổi mới hệ thống chính trị. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, Ban Chấp hành Trung ương cũng thẳng thắn chỉ ra, bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng được mục tiêu yêu cầu đề ra.
Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhất là số đầu mối bên trong của các cơ quan trong hệ thống chính trị ngày càng phình ra, hiệu lực hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu.
Hiện nay tổ chức ở cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ còn chồng chéo, ví dụ như Bộ Tài chính với Bộ KH-ĐT, Bộ GT-VT với Bộ Xây dựng… Bên cạnh đó, số bộ, cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ dù đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn còn đến 30 đầu mối bộ, cơ quan ngang bộ.
Trong khi đó, ở Nhật Bản con số này chỉ là 11, Singapore là 15, Trung Quốc 20,… So với các nước châu Âu thì Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều.
Tháng 6-2017, số bộ và cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ nhiệm kỳ này giữ ổn định so với 2 nhiệm kỳ trước nhưng đầu mối bên trong các bộ ngành, địa phương tăng nhanh.
Cả nước có 42 tổng cục tăng 2 lần so với năm 2011; 826 cục, vụ thuộc các tổng cục, tăng 4,7%; 7.280 phòng trong tổng cục, tăng 4,7% so với năm 2011; 750 vụ cục và tương đương thuộc bộ, tăng 13,6%; 3.970 phòng trực thuộc bộ tăng 13% so với năm 2011.
Số liệu này chưa kể quân đội và công an. Riêng các cơ quan giúp việc của Trung ương tăng 23 đầu mối (21,9%) và 40 đầu mối cấp vụ tăng 21%; đầu mối cấp phòng cũng tăng 37,4%;...
Đồng chí Phạm Minh Chính giới thiệu và quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Ảnh TRẦN BÌNH
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, cơ cấu tổ chức cán bộ, công chức còn bất cập, số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách nhà nước rất lớn, nhất là biên chế trong đơn vị sự nghiệp công lập, cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã, thôn.
Tính đến ngày 1-3-2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước (NSNN) khoảng 4 triệu người, chưa tính quân đội và công an. Số cán bộ công chức ở Trung ương là 279.143 người; cấp tỉnh, huyện 2.080.000 người; cấp xã, thôn, tổ dân phố 1.266.000 người.
“Có thể khẳng định số người ăn lương và phụ cấp của ta tang rất nhanh. Nền kinh tế phải gánh vác rất khó khăn. Khó khăn này tập trung vào 2 điểm chính là các đơn vị sự nghiệp trên 2 triệu người và cấp xã, thôn, tổ dân phố” – đồng chí Phạm Minh Chính cho biết.
Sau 2 năm thực hiện tinh giản biên chế nhưng số người hưởng lương, phụ cấp không giảm mà còn tăng lên. Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW (ngày 17-4-2015) của Bộ Chính trị, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 người mới theo tiến độ nhưng thực tế ngược lại, không giảm được mà còn tăng lên 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn lớn.
Tỷ lệ công viên chức hưởng lương trên 1.000 dân ở Việt Nam là 43 người chưa kể quân đội và công an trong khi đó 1 số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines là 1.000 dân mới có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người; Singapore có 25 người…
“Về cơ bản, tỷ lệ công chức nước ta cao hơn rất nhiều so với các nước” – đồng chí Phạm Minh Chính cho biết.
Từ năm 2011 đến năm 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Những năm gần đây, tổng chi thường xuyên đều tăng. Năm 2014 là 704.000 tỷ; năm 2015: 777.000 tỷ tăng 10,3% so 2014; năm 2016: 837.000 tỷ tăng 1,7% so với năm 2015; dự toán chi năm 2017 là 900.000 tỷ, tăng 7,87% so với năm 2016, tăng 16,25 so với năm 2015 (năm ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế). Trong chi thường xuyên này, chi cho con người là cao (lương và phụ cấp khác chiếm 53%).
Cũng theo đồng chí Phạm Minh Chính, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn nhiều chiếm tỷ lệ cao, bổ nhiệm cấp hàm một số cơ quan Trung ương còn nhiều. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng chiếm 21,7% trong tổng số cán bộ công chức từ Trung ương đến cấp huyện.
Cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, không có ai là chuyên viên. Có vụ có 6 hàm vụ trưởng, 7 hàm phó vụ trưởng, có cả hàm trưởng phòng, phó trưởng phòng, thậm chí có vụ có 19 hàm phó vụ trưởng.
“Chúng ta đang lạm phát cấp phó, đây là việc rất rõ. Mỗi bộ có từ 5- 6 cấp phó, thiếu bổ sung rất nhanh nhưng vẫn kêu không đủ người đi họp, rõ ràng cơ chế vận hành có vấn đề, chức năng nhiệm vụ có vấn đề.” – đồng chí Phạm Minh Chính nhận định.
Về đơn vị hành chính cấp địa phương, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhưng đến nay đã tăng thành 63 đơn vị cấp tỉnh. Như vậy, sau 30 năm đổi mới, cả nước đã tăng thêm 19 tỉnh, 178 huyện và 1.136 xã. Trong số đó, hiện cả nước có hơn 700 đơn vị cấp xã không đạt tiêu chí về quy mô diện tích và dân số.
Đặc biệt, chưa phân định rõ và tổ chức thực hiện mô hình chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Trong những năm qua chỉ có xu hướng là phải tách ra chứ không có nhập vào. 10 năm qua chỉ giảm được một đơn vị hành chính cấp tỉnh là việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội.
Theo đồng chí Phạm Minh Chính, việc sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội lúc bàn thảo thì khó khăn vô cùng, với rất nhiều băn khoăn, lo lắng. Ví như sáp nhập vào rồi thì truyền thống văn hóa, lịch sử, kinh phí, đặc biệt là công tác cán bộ sẽ ra sao?
“Sáp nhập phòng đã khó rồi, vì hai ông trưởng phòng nay chỉ còn chọn một ông. Sáp nhập cấp tỉnh thì còn khó khăn gấp bội, vì 2 người đứng đầu cũng là Ủy viên Trung ương cả. Rất khó, nhưng với quyết tâm chính trị cao, chúng ta đã làm” - đồng chí Phạm Minh Chính cho biết.
Giờ đây, sau gần 10 năm nhìn lại, thấy quyết sách sáp nhập Hà Tây và Hà Nội là “đúng đắn, thành công, hiệu quả”, mở ra không gian cho sự phát triển cho cả Hà Nội cũng như Hà Tây cũ. Mọi khó khăn lúc đầu đặt ra đến nay cũng đều được giải quyết.
“Sáp nhập tỉnh lớn như vậy còn làm được, vậy xã, phường thì sao không làm được? Hà Tĩnh hiện nay đang sáp nhập thôn bản. Hòa Bình đang nghiên cứu nhập xã và ở một số nơi đang nghiên cứu sáp nhập huyện. Sáp nhập được là sẽ giảm ngay đội ngũ cán bộ, biên chế, giảm chi ngân sách... Hà Tây sáp nhập Hà Nội là bài học thành công sống động. Khó mấy cũng làm được, nếu điều đó là đúng đắn, phù hợp với thực tiễn xã hội” – đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.